Dù đã dừng hoạt động trong nhiều năm, nhưng trạm thu phí Cầu Rác (huyện Cẩm Xuyên) vẫn không được tháo dỡ. Trong khi đó, nhiều phương tiện giao thông bị dính “bẫy” khi qua khu vực này.
“Bẫy” giao thông
Rạng sáng ngày 28/4, một chiếc xe Container chở dưa hấu đã bị lật nghiêng khi đi qua trạm thu phí Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Vụ tai nạn khiến toàn bộ đầu xe bị nát bét, hàng tấn dưa hấu trên xe bị hư hỏng. Tài xế xe tải cho biết, lúc xe vào làn trạm thu phí thì đâm trúng trụ phân làn xe khiến bị lật nghiêng sang trái, đầu xe bị móp, hư hỏng nặng… Rất may, vụ tai nạn không có thương vong về người.
Vụ tai nạn tại trạm thu phí Cầu Rác vào ngày 28/4
Trên đây chỉ là 1 trong những vụ tai nạn xảy ra tại trạm thu phí “chết” trong gần hơn 2 năm qua. Nhiều tài xế không khỏi rùng mình khi nhớ những lần suýt chết trong gang tấc.
“Cách đây gần 1 năm, tôi chở hàng từ Bình Định ra Thanh Hóa. Khi đến khu vực Cầu Rác đã gần 10h tối. Dù dừng hoạt động nhưng trạm không được tháo dỡ và lắp đèn báo nên khi đến gần tôi mới phát hiện. May mắn tôi phanh kịp nếu không xe sẽ đâm vào bốt thu phí. Không riêng gì tôi mà nhiều tài xế khác cũng gặp tình huống tương tự”, tài xế Võ Quang Dũng (huyện Nam Đàn, Nghệ An) kể lại.
Trạm thu phí dừng hoạt động nhưng không tháo dỡ gây cản trở giao thông cho các phương tiện qua lại
Có mặt tại QL1A đoạn qua trạm thu phí Cầu Rác, phóng viên quan sát thấy khu vực này xe qua lại với tần suất rất dày đặc. Tuy nhiên mỗi lần đi qua trạm, các xe đều phải giảm tốc độ do đường qua lại chật hẹp, phương tiện ùn tắc ở phía sau.
Trong khi đó, hạ tầng trạm thu phí do bỏ hoang nhiều năm đã bị xuống cấp. Phần lớn các cột bê tông, dải phân cách tại đây đều bị bong tróc, va đập mạnh do các xe tải va quệt. Người dân cũng tận dụng trạm thu phí bỏ hoang để làm nơi phơi rơm rạ…
Ông Bùi Xuân Hoa (60 tuổi, trú xã Cẩm Trung) cho biết: "Hầu như tháng nào cũng có vài vụ tai nạn tại đây. Nhẹ thì xe chỉ bị trầy xước, còn nặng thì lật xe phải thuê cả xe cứu hộ đến chở đi. Chỉ mong chính quyền các cấp sớm tháo dỡ trạm thu phí này để người dân đỡ sợ khi qua đây”.
Tỉnh đề nghị Bộ tháo dỡ
Trạm thu phí Cầu Rác do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2009.
Dự án nhằm thu phí hoàn vốn cho tuyến đường BOT có chiều dài 16km nằm trên QL1A nối từ xã Thạch Long, huyện Thạch Hà đến xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Trạm thu phí Cầu Rác đặt trên QL1A (thuộc địa phận xã Cẩm Trung, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cách tuyến đường này hơn 30 km.
UBND Hà Tĩnh nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tháo dỡ trạm thu phí
Trạm thu phí đã nhiều lần bị người dân huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phản đối vì cho rằng bị thu phí vô lý.
Ngày 21/2/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư trạm thu phí Cầu Rác tạm dừng hoạt động để có cơ sở tính toán và chốt phương án tài chính của dự án. Dù đã dừng hoạt động nhưng trạm thu phí Cầu Rác vẫn không được tháo dỡ gây cản trở giao thông cho các phương tiện.
Phía UBND tỉnh Hà Tĩnh, phòng CSGT (CA Hà Tĩnh) đã nhiều lần có văn bản nghị kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tháo dỡ trạm thu phí, tránh nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Vết va quệt của các phương tiện giao thông tại cột bê tông trạm thi phí
Theo Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh, cuối năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cho tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác.
“Phòng CSGT tỉnh đã có 2 công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng công ty Sông Đà đề xuất tháo dỡ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời ”, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Đội trưởng Đội CSGT khu vực phía Nam (Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ.
Lý giải cho việc trạm Cầu Rác dừng thu phí nhưng chưa tháo dỡ, ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 (Cục Quản lý đường bộ 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết do vướng thủ tục chuyển giao tài sản theo quy định.
“BOT là tài sản của doanh nghiệp. Sau khi thu đủ tiền để làm đường thì họ dừng thu phí, trạm thu phí đó bàn giao lại tài sản cho nhà nước. Khi nào Bộ Tài chính công nhận đó là tài sản sở hữu toàn dân thì bên Cục Quản lý đường bộ của Bộ GTVT muốn sửa chữa, hay tháo dỡ mới được phép. Nên chúng tôi vẫn đang chờ”, ông Giang thông tin./.