1-1656342913.jpg
Nút giao Diễn Cát giao với Quốc lộ 7 tỉnh Nghệ An thuôc gói thầu XL04 cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đang gặp khó khăn khi không có mặt bằng thi công do hạ tầng đường điện 220KV chưa được di dời. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo kế hoạch dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu sẽ hoàn thành vào tháng 7/2023, tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn còn bị vướng hạ tầng đường điện và mặt bằng. Do vậy tiến độ dự án có thể bị ảnh hưởng nếu không sớm giải quyết vấn đề trên.

Ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 thông tin, sau gần một năm thi công nhưng dự án vẫn tồn tại về giải phóng mặt bằng. Hiện phần 6,5 km của dự án đi qua tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng ở tỉnh Nghệ An vẫn bị vướng mặt bằng đất nghĩa trang tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Phía địa phương đang làm các thủ tục để thu hồi, cưỡng chế. Dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2022.

Về di dời hạ tầng kỹ thuật, ông Phạm Văn Minh cho hay, toàn tuyến còn 12 vị trí đường điện cao thế 220kV. Ban Quản lý dự án 6 đã làm việc và có lịch ngắt điện vào ngày 30/6/2022. Dự kiến công việc này sẽ hoàn thành trong tháng 7/2022. Đặc biệt, đường ống cấp nước D800 tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai hiện chưa được di dời. Ban Quản lý dự án 6 đang tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan tỉnh Nghệ An và thị xã Hoàng Mai, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2022.

Tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo của Chính phủ về triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông diễn ra vào sáng 15/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết tỉnh đang tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng, quyết tâm trước 30/6/2022 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Theo đại diện UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh sẽ tổ chức vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, đối với một số trường hợp chưa có sự đồng thuận thì tỉnh sẽ xây dựng các phương án bảo vệ thi công để đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án đúng với cam kết.

2-1656342958.jpg
Cầu vượt Diễn Đoàn cũng đang khó khăn về giải phóng mặt bằng khi có 6 hộ phía Đông và 18 hộ phía Tây của cầu chưa được giải phóng mặt bằng dẫn đến đường dẫn 2 đầu cầu nhà thầu chưa thể thi công. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ông Trương Quang Long, Phó Chỉ huy trưởng gói thầu XL04 (Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần xây dựng Tân Nam – Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Sơn) cho hay, nút giao Diễn Cát (giao giữa cao tốc và Quốc lộ 7) đang vướng 500 m mặt bằng do đường điện cao thế 220KV chưa được di chuyển. Theo dự kiến ban đầu là tháng 5 vừa qua phải di chuyển hạ tầng điện này nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành vì vậy tiến độ chung của gói thầu XL04 sẽ bị ảnh hưởng do không có mặt bằng thi công.

“Mặt khác nếu không di chuyển sớm hạ tầng điện sẽ không có thời gian thực hiện gia tải xử lý nền đất yếu. Vì thời gian xử lý nền đất yếu ít nhất cũng phải mất 7 tháng; trong khi đó thời gian hoàn thành hợp đồng chỉ còn khoảng 12 tháng”, ông Trương Quang Long chia sẻ.

Về khó khăn do giá nhiên vật liệu tăng cao thời gian qua, ông Trương Quang Long cho biết, các nhà thầu đang rất khó khăn để chống chọi với việc tăng giá này, không biết có thể trụ được đến lúc nào. Mặc dù vậy các nhà thầu vẫn khẳng định sẽ cố gắng để đẩy nhanh tiến độ dự án nếu có mặt bằng với tinh thần làm việc 3 ca, thi công cả ngày lẫn đêm.

Trong khi đó tại nút giao cầu vượt Diễn Đoài kết nối với Quốc lộ 48 cũng đang vướng mặt bằng. Ông Nguyễn Bá Sỹ, Chỉ huy trưởng liên danh Vinaconex- Miền Trung (Liên danh Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung) thông tin, hiện phía Đông cầu vượt Diễn Đoài còn vướng diện tích đất ở của 6 hộ dân và phía Tây còn vướng đất ở của 18 hộ dân.

“Theo dự kiến nếu 30/6 tới không giải phóng được mặt bằng thì rất khó hoàn thành được công trình. Vì nếu không hoàn thành cầu thì không thể có mặt bằng cho thi công phần nền của cao tốc”, ông Nguyễn Bá Sỹ nhấn mạnh.

Có mặt tại dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu vào những ngày được coi là nóng nhất tại khu vực miền Trung, phóng viên TTXVN ghi nhận được không khí khẩn trương của toàn bộ công trường dự án này. Đại diện các nhà thầu cho hay, mặc dù trời nóng nhưng là thời gian thuận lợi cho việc thi công nên cán bộ, kỹ sư công nhân viên đang làm việc 3 ca nhằm đẩy nhanh tiến độ vì chỉ còn hơn 2 tháng nữa là vào mưa.

3-1656343007.jpgVới vướng mặt về hạ tầng đường điện 220KV nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án phải hoàn thành vào tháng 7/2023. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Hiện tại các nhà thầu đã đồng loạt triển khai 40 mũi thi công, với hơn 700 cán bộ kỹ sư, công nhân trên công trường cùng hàng trăm thiết bị, máy móc. Theo Ban Quản lý dự án 6, tính đến nay, sau gần 1 năm thi công tiến độ dự án đạt khoảng 39,5% giá trị các hợp đồng. Hiện, gói thầu XL01 do liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải – Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả thực hiện cam kết về trước tiến độ 3 tháng.

Tại công trình hầm Trường Vinh, nối thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), đại diện đơn vị thi công hầm Trường Vinh phía Bắc của Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị đang huy động trên công trường 100 cán bộ, kỹ sư, công nhân và các loại máy móc thi công song song 2 ống hầm. Hiện đã hoàn thành việc đào thông 2 ống hầm.

4-1656343049.jpg
Sau khi hầm Trường Vinh được đào thông, đơn vị thi công phía Bắc hầm là Tập đoàn Đèo Cả đang huy động hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân và các loại máy móc để hoàn thiện hầm vượt tiến độ 3 tháng. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công trình, đại diện tư vấn dự án cho biết, tư vấn giám sát đã ban hành kế hoạch hàng tuần, hàng tháng để so sánh, đánh giá. Đơn vị nào thường xuyên bị nhắc nhở mà không có giải pháp, tư vấn sẽ báo cáo Ban Quản lý dự án 6 để có giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 chia sẻ: "Các nhà thầu đều thể hiện quyết tâm tận dụng từng ngày thời tiết thuận lợi để tăng tốc đắp nền xong trước mùa mưa năm nay. Vì vậy bản thân tôi và các anh em nhà thầu cũng không nghỉ lễ để đồng hành cùng các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ của dự án".

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 cho biết thêm, hiện tại, thời tiết đang thuận lợi, tất cả các mỏ đất phục vụ dự án đều đã đủ thủ tục và tiến hành khai thác. Để tăng tốc đào đắp hiện tại, Ban Quản lý dự án 6 đang chỉ đạo các nhà thầu phải tiếp tục tăng số máy và mũi thi công.

5-1656343086.jpg
Gói thầu XL01 do liên danh Tập đoàn Sơn Hải – Tập đoàn Đèo Cả thực hiện; trong đó có hầm Trường Vinh đã được đào thông,nhà thầu cam kết về trước tiến độ 3 tháng tại gói thầu này. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 43,47 km đi qua hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng; trong đó gồm chi phí xây dựng và thiết bị 4.305,9 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 1.778,1 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 553 tỷ đồng; chi phí dự phòng 656 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư, cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu được thiết kế với quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng lên 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế từ 100-120km/giờ./.