Sáng 11/9, Bệnh viện Thanh Nhàn bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 1.000 thai phụ có thai từ 13 tuần tuổi trở lên.
Sáng 11/9, Bệnh viện Thanh Nhàn bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 1.000 thai phụ có thai từ 13 tuần tuổi trở lên.
Sáng 11/9, Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt đầu đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 1.000 phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Ảnh: Các thai phụ được đo huyết áp trước khi tiêm.
Bác sĩ Trần Quyết Thắng - Trưởng khoa Sản 1 (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết: “Đợt này chúng tôi tiến hành tiêm cho 1.020 phụ nữ mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên. Quá trình tiêm được tiến hành trong 2 ngày (11 - 12/9) bằng vaccine Pfizer”.
Theo Bác sĩ Trần Quyết Thắng, trong sáng 11/9, Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ tiêm cho 520 phụ nữ mang thai, theo quy trình khép kín.
“1.020 phụ nữ mang thai được tiêm lần này đều đăng ký từ dưới địa bàn nơi đang sinh sống. Từ số liệu đăng ký, Phường, Quận chuyển lên, chúng tôi sàng lọc, những trường hợp đủ điều kiện sẽ được mời lên tiêm theo quy định”, Bác sĩ Trần Quyết Thắng chia sẻ thêm.
Chị Đỗ Thị Kim Thanh (31 tuổi, ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trước khi tiêm chị đã được khám sàng lọc kỹ càng cả mẹ và thai nhi 25 tuần tuổi, bác sĩ kết luận đủ điều kiện tiêm chủng. Sáng 11/9, chị được tiêm vaccine Pfizer.
“Chúng tôi đăng ký theo Tổ dân phố được gần một tháng nay. Sau khi sàng lọc, Bệnh viện đã gửi thông báo về để chúng tôi đi tiêm. Ban đầu chúng tôi cũng lo lắng về tác dụng phụ của vaccine nhưng sau khi được tuyên truyền thì thấy tỉ lệ tác dụng phụ rất ít trong khi số lượng tử vong do dịch rất cao nên chúng tôi quyết định đi tiêm để bảo vệ mình và cả cộng đồng”, chị Thanh chia sẻ.
Ghi nhận trong sáng 11/9, lực lượng chức năng sắp xếp cho những sản phụ cùng khu vực đi tiêm, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Các thai phụ được siêu âm, khám sàng lọc trước khi tiêm.
Các đối tượng được tiêm lần này chủ yếu thuộc đơn vị hành chính quận Hoàng Mai, có nhu cầu tiêm và được khám sàng lọc kỹ lưỡng.
Bác sĩ Thắng cho biết thêm, phụ nữ mang thai hoặc không mang thai đều có nguy cơ nhiễm virus như nhau, song phụ nữ mang thai khi nhiễm dễ diễn tiến nặng. Cần chủ động phòng bệnh với nhóm này là rất cần thiết, tiêm vaccine là cách bảo vệ cả mẹ và bé. Ảnh: Bệnh biện Thanh Nhàn bố trí chỗ ngồi cho các thai phụ chờ có điều hòa, ghế tựa nghỉ ngơi trước khi tiêm.
Phụ nữ mang thai cần được sàng lọc kỹ trước tiêm, đặc biệt cần khám thai để biết tình trạng của mình và em bé trước khi tiêm. Với phụ nữ mắc bệnh nền vẫn có thể tiêm, xong phải tầm soát kỹ hơn và tuân thủ theo chỉ định của các y bác sĩ.
Theo bác sĩ Thắng, hoạt động này nằm trong đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân Hà Nội từ 18 tuổi trở lên. Ảnh: Bệnh viện Thanh Nhàn dùng vaccine Pfizer tiêm cho các thai phụ đủ điều kiện.
Thời gian qua, khi triển khai tiêm vaccine toàn dân thì nhóm phụ nữ mang thai và cho con bú nằm trong nhóm trì hoãn.
Trong tình hình dịch bùng phát, số thai phụ mắc Covid-19 tăng cao như hiện nay, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn ngày 10/8 về việc tiêm vaccine ngừa covid 19 cho phụ nữ mang thai.
Theo đó, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên thuộc nhóm cần thận trọng tiêm chủng, cơ sở y tế phải giải thích lợi ích nguy cơ và ký cam kết đồng ý tiêm, chuyển đến cơ sở có cấp cứu sản khoa để tiêm. Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Phụ nữ mang thai và cho con bú chỉ chống chỉ định với vaccine Sputnik V.
Sau tiêm, thai phụ cũng cần phải theo dõi sức khoẻ như người bình thường, nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện như sốt cao, tím tái, thở dốc... cần liên hệ y tế ngay. Ảnh: Các thai phụ được sắp xếp sang một phòng riêng theo dõi phản ứng của vaccine Pfizer, sau khi tiêm.
Đặc biệt, sau tiêm một đến hai tuần, thai phụ cần đi khám thai để kiểm tra tình hình thai nhi.
Phụ nữ mang thai hơn 13 tuần là một trong 3 nhóm người Hà Nội được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Hà Nội đặt mục tiêu tới ngày 15/9 tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi./.