Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết Sở Y tế thành phố đã có kế hoạch để triển khai việc xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn.
Khối lượng lấy mẫu xét nghiệm 100% người dân trên địa bàn quá lớn, nhiều ý kiến cho rằng việc này lãng phí và không hiệu quả, quan điểm của ông thế nào?
Ông Trương Quang Việt: Trước Hà Nội thì TP.HCM đã thực hiện xét nghiệm toàn bộ người dân, nên việc này không phải mới mà hoàn toàn khả thi.
Về lực lượng lấy mẫu, mô hình đội lấy mẫu tương tự như tổ Covid-19 cộng đồng, nòng cốt là các thành viên tự nguyện có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, có thể có chuyên môn y tế hoặc các ngành khác. Những người này sẽ đến từng nhà và thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên và cả PCR.
Sở Y tế đã tiến hành tập huấn cho đội ngũ này, quy mô khoảng vài chục nghìn tổ trên toàn thành phố. Mỗi tổ từ 2 - 4 người, trung bình là 3 người 1 tổ, huy động chủ yếu là lực lượng thanh niên trẻ khoẻ, có khả năng đi đến từng hộ gia đình.
Nhưng đội lấy mẫu này không có chuyên môn y tế, liệu có đảm bảo quy trình chuẩn trong lấy mẫu hay không, thưa ông?
Ông Trương Quang Việt: Sở Y tế đã tổ chức tập huấn trong 2 đêm, vì họ đa số đều không có kinh nghiệm về y tế, lấy mẫu nên chúng tôi hướng dẫn rất kỹ. Đội ngũ này sẽ được đào tạo lấy mẫu đúng quy cách, đồng thời được đào tạo để hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà.
Sở Y tế cũng đang hoàn thiện các video hướng dẫn tự lấy mẫu ở mũi để người dân có thể tự thực hiện tại nhà. Sắp tới sẽ tuyên truyền bằng hình thức video, poster…
Nhưng người dân rất lo lắng việc lấy mẫu diện rộng có nguy cơ lây lan Covid-19, khi nhân viên lấy mẫu tại một số điểm không thay găng tay, hoặc sát khuẩn theo quy định?
Ông Trương Quang Việt: Các tổ tự nguyện sẽ lấy mẫu tại cửa nhà dân, hoặc đầu ngõ, không vào nhà dân cũng không tụ tập đông người, để giảm nguy cơ cho cả người dân và đội ngũ y tế.
Về việc thay găng tay, thì nhân viên y tế không thể thay găng tay mỗi lần lấy mẫu cho một người khác nhau do không đủ găng, song chúng tôi đã yêu cầu phải sát khuẩn sau mỗi lấy mẫu. Đội ngũ lấy mẫu diện rộng sắp tới không phải ai cũng là cán bộ y tế, nên chúng tôi tập huấn việc này rất chặt chẽ.
Những người đã được lấy mẫu rồi có phải lấy mẫu trong đợt tới hay không, các khu vực lấy mẫu sẽ theo tiêu chí nào, thưa ông?
Ông Trương Quang Việt: Không phải đối tượng nào cũng sẽ làm xét nghiệm PCR, mà chỉ với các "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao), các đối tượng nguy cơ cao, các vùng giáp ranh khu vực phong toả, cách ly. Các vùng khác sẽ theo phương thức test nhanh. Nếu PCR thì có thể lấy mẫu gộp tại thực địa.
Việc lấy mẫu gộp hay mẫu đơn tuỳ theo nguy cơ dịch tễ, chẳng hạn các khu tập thể, các ngõ rất chật chội đông dân cư, nguy cơ va chạm nhiều, không đảm bảo khoảng cách thì sẽ lấy mẫu gộp đại diện cho hộ gia đình. Các vùng nguy cơ, chưa có F0 không rõ nguồn lây cũng sẽ lấy mẫu gộp đại diện hộ gia đình.
Nhưng những khu vực nguy cơ rất cao như Trại Găng (Q.Hai Bà Trưng) sẽ lấy mẫu của tất cả người dân trong khu vực để rà soát, bóc tách F0, khu vực nào có người đang sốt, người có nguy cơ cao cũng sẽ lấy mẫu đơn tất cả…/.
Trong công điện ban hành tối qua, 6.9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu huy động các lực lượng xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách rất nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Từ 6 - 12.9, xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn. Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao, lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2- 3 ngày/lần, khu vực nguy cơ cao từ 5 - 7 ngày/lần, các khu vực khác ít nhất 1 lần. Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát nhân viên y tế và áp dụng các phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Sau ngày 12.9, tiếp tục lấy mẫu để giám sát, đánh giá nguy cơ.