Hà Kiều Anh nhận mình là công chúa đời thứ 7 của triều Nguyễn
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 vừa qua, Hoa hậu Hà Kiều Anh đã chia sẻ lên trang cá nhân hình ảnh và thông tin kể về nguồn gốc "đế vương" của mình. Theo đó, Hoa hậu Việt Nam 1992 cho rằng, mình chính là công chúa đời thứ 7 của dòng tộc nhà Nguyễn.
Trong lời kể của Hà Kiều Anh có chi tiết, Vua Minh Mạng có "hoàng tử" thứ 11 tên là Tuy Lý Vương. Ông Tuy Lý Vương còn được dân yêu mến gọi là "quan thơ" vì ông có tài làm thơ, "quan nông" vì ông thường mặc quần áo nâu hướng dẫn dân làm ruộng và "quan hiếu" vì ông rất có hiếu với mẹ.
Ông đã đón mẹ mình là bà Lê Thị Ái, gọi là Lê Tiệp Dư Từ, về ở phủ Tuy Lý Vương của mình để phụng dưỡng cho đến lúc bà mất. Phủ Tuy Lý Vương sau này đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ông Tuy Lý Vương sinh ra con trai gọi là Hương Ngãi, còn gọi là ông Hường Nhã. Ông này sinh ra 4 trai, 3 gái, trong đó có bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh là bà cố nội của Hoa hậu Hà Kiều Anh. Bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh là vợ thứ 3 của ông Nguyễn Tăng Lộc, cũng là một ông quan trong triều đình nhà Nguyễn. Bà Truyền Kinh sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái). Người con gái chính là bà Nguyễn Tăng Diệu Hương - bà nội của Hà Kiều Anh.
"Thảo nào, bà nội lúc nào cũng nói: "Bà là con Vua, cháu Chúa, con cũng là "công chúa" đời thứ 7 đấy". Mấy lần về Huế con cũng đến thăm lăng Vua Minh Mạng, thắp hương cho cố cố, thăm phủ Tuy Lý Vương, thắp hương cho ông cụ cố và cụ nội của con", Hà Kiều Anh viết.
Hoa hậu Hà Kiều Anh cho biết, đây là câu chuyện chị được nghe chính bà nội của mình kể lại. Vì lúc sinh thời, bà luôn tự hào về dòng máu gia tộc chảy trong huyết quản của mình. Những lời kể của bà về gốc gác cũng tiếp thêm sức mạnh cho chị trong những thời điểm khó khăn nhất.
Theo Hoa hậu Hà Kiều Anh, việc chị kể lại câu chuyện này không nhằm để khoe khoang gì cả mà để tăng thêm lòng tự hào về dòng giống – nguồn gốc của mình. Chị cũng không thể ngờ câu chuyện lại gây nên nhiều phản ứng trái chiều như vậy.
Hậu duệ nhà Nguyễn khẳng định Hà Kiều Anh nói "bậy"
Hậu duệ đời thứ 5 của đức Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Vĩnh Khánh - thành viên Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế và hiện là Phó Phòng Tuy Lý Vương cho biết, việc Hà Kiều Anh nhận mình là "công chúa đời thứ 7" hoàn toàn không chính xác.
"Theo sử cũ chép lại, Hoàng đế Minh Mạng đặt cho những người con trai ruột của mình có tên lót là chữ Miên, những người cháu (hoàng tôn) sau đó lấy tên lót chữ Hồng (đọc chệch là Hường), đời kế tiếp lần lượt là Ưng/ Bửu/ Vĩnh/ Bảo/... Nếu tính từ đời Tuy Lý Vương đến đời Hà Kiều Anh cứ cho là 7 đời thì ứng ngang với chữ "Bảo". Nôm na là có nguồn gốc xa gần với Tuy Lý Vương. Điều đó không ai phủ nhận và cũng không ai phản đối cả.
Tuy nhiên, Hà Kiều Anh có một chỗ rất bậy đó là xưng tôn mình lên làm "công chúa". Đây là điều cực kỳ cấm kỵ và không nên. Vì "công chúa" là một mỹ từ mà theo nguyên tắc của nhà Nguyễn là phải được vua phong mới được gọi "công chúa". Ngay cả bản thân con trai, con gái của vua ngày xưa cũng chỉ gọi là "hoàng nữ", "hoàng tôn". Những chức vị có tước như: "công chúa", "hoàng tử", "hoàng thái tử"… không thể tùy tiện gọi và không thể tùy tiện nhận được", Nguyễn Phước Vĩnh Khánh phân tích.
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh cũng phân tích thêm rằng, Hoa hậu Hà Kiều Anh đã nói sai về tên của cụ Hường Ngải, nói sai về tên của bà cố nội và nói sai tên của bà Tiệp Dư – vợ của Vua Minh Mạng.
"Hà Kiều Anh kể bà cụ cố của mình - con của cụ Hường Ngải (con trai ngài Tuy Lý Vương - Miên Trinh) thì bà phải ngang hàng chữ "Ưng" - tức là Công Tôn Nữ thì ở đây lại cho bà thành Công Tằng Tôn Nữ - tức mới ngang chữ Bửu là hàng chắt...
Rồi Hà Kiều Anh nói về bà Tiệp Dư – vợ Vua Minh Mạng mà nói thành Tiệp Phi là sai cả về ngữ nghĩa, thứ bậc. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ đặt ngôi Hoàng Quý phi để phụ giúp Hoàng hậu, ở dưới chia thành 9 bậc gọi là Cửu giai. Tiệp dư ở hàng Lục giai, tức cách nhau đến 4 hoặc 5 bậc so với Phi vị.
Điều này chứng tỏ Hà Kiều Anh không hiểu gì về thế thứ, ngữ nghĩa của từng cái tên trong dòng tộc của mình. Làm như vậy là vô hình trung bôi xấu dòng tộc của mình. Từ chỗ nói ra để tôn vinh tổ tiên, dòng tộc… thì lại nói sai lệch thông tin khiến cho phản tác dụng hay tác dụng ngược. Đây là điều không nên một chút nào.
Tôi không nói là không nhận Hà Kiều Anh là cháu chắt của dòng tộc gì hết. Tôi can ngăn ở chỗ, bất kỳ ai, khi nói gì về dòng tộc cần phải có sự tự trọng – tự tôn và hiểu về dòng tộc rồi hẵng nói. Càng là Hoa hậu thì càng phải ăn nói chừng mực và có sự hiểu biết. Người xưa nói "Lời nói là đọi máu", bước chân đi sai còn rút lại để đi đúng chứ nói lời sai là không thể rút lại được".
Theo ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, sau sự việc này, nếu Hà Kiều Anh trở về Huế thăm lại tổ tiên, gốc gác, gia tộc... ông vẫn tiếp đón với tư cách là một cháu ngoại rất xa của dòng tộc.