Không được nghỉ ngơi, thầy cô là F0 vẫn dạy trực tuyến
Nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào gần trưa ngày 28/2, thầy H.A. - giáo viên một trường THCS tại Hà Nội thông báo cho phụ huynh trong lớp đón học sinh về.
Trước tình hình này, lớp học của thầy H.A. chuyển hoàn toàn sang hình thức dạy học online. Trước đó, tại lớp cũng đã xuất hiện 20/32 học sinh thuộc diện F1, F0, đang được phụ huynh theo dõi tình hình sức khỏe tại nhà.
Mặc dù xuất hiện triệu chứng đau người, mệt mỏi và ho; song thầy giáo này vẫn quyết định dạy trực tuyến cho học trò vào buổi học tiếp theo.
"Nhà trường không ép giáo viên F0 phải dạy trực tuyến, nhưng tôi tự thấy sức khỏe của mình chưa đến nỗi tệ, nên vẫn đảm đương được nhiệm vụ dạy học. Nếu tôi nghỉ ngơi lúc này, thời gian về sau, cả thầy và trò sẽ vô cùng vất vả vì phải dạy bù, học bù, rồi tất tả "rượt đuổi" sao cho kịp chương trình.
Chưa kể, nếu tôi xin nghỉ sẽ phần nào ảnh hưởng đến đồng nghiệp vì họ sẽ phải sắp xếp dạy thay. Trong bối cảnh hiện tại, tôi không muốn bản thân sẽ trở thành gánh nặng cho người khác. Nếu còn cố được, tôi sẽ nỗ lực để hoàn thiện nhiệm vụ của mình".
Ở nhà dạy trực tuyến, thời gian dạy của nhà giáo H.A. bắt đầu từ lúc 7h sáng và kết thúc vào 5h15 buổi chiều. Hoàn thành việc cá nhân vào khoảng 20h, thầy H.A. lại tiếp tục ngồi vào bàn, xử lý một "núi" công việc như: soạn bài, chữa bài tập online cho học sinh hay hoàn thành sổ sách để kịp nộp về nhà trường…
"Sức khỏe không ổn định, kết hợp với công việc còn bộn bề, dở dang khiến đôi lúc, tôi cảm thấy bản thân gần như "đổ gục" vì kiệt sức và áp lực.
Không chỉ riêng tôi, có lẽ rất nhiều thầy cô cũng cảm thấy mệt mỏi vì vừa phải chống lại Covid-19, đồng thời "căng mình" để đảm đương việc dạy cho trò, việc hoàn thành sổ sách cho trường.
Thời điểm này, điều duy nhất an ủi tôi chính là lời động viên, thăm hỏi đến từ phía phụ huynh, học sinh. Trong tiết học, những câu hỏi như "Thầy ơi, thầy đỡ chưa?" hay "Sao hôm nay thầy ho nhiều thế?" đã trở thành động lực để tôi cố gắng" - nhà giáo H.A. tâm sự.
Giảng dạy tại trường tiểu học ở Hải Phòng, trái ngược với niềm hân hoan đón học sinh trở lại trường sau Tết, những ngày gần đây, niềm vui của cô giáo Lê Thanh Tâm dần trở nên nhỏ bé. Từ một lớp học với đông đủ 37 học sinh, hiện tại, sĩ số học sinh đến lớp chỉ dừng lại ở con số 15; bởi số em còn lại đều thuộc trường hợp F0, F1.
Trước tình hình này, cô Tâm phải kết hợp dạy trực tuyến trong lớp… trực tiếp. Có mặt tại trường vào lúc 6h55, một ngày của nhà giáo này rất vất vả. Tiết 1 dạy trực tiếp ở một lớp, đến tiết 2 và 3, nhà giáo này lại phải "đôn đáo" chạy sang lớp mình chủ nhiệm để dạy song hành online - offline.
Dạy nhiều lớp, lại dạy kết hợp cả hai hình thức, do đó, kết thúc mỗi tiết học, cô Tâm lại phải "tay xách, nách mang" mang máy móc sang lớp khác để tiếp tục nhiệm vụ dạy trẻ. Trong quá trình dạy, cô phải liên tục nhắc nhở, hỏi han học sinh, đồng thời cố gắng nói thật to, thật rõ để các em, dù học trực tiếp hay online đều có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.
Cũng theo cô Tâm, hiện tại, nhiều thầy cô mắc Covid, do đó, trường học rơi vào cảnh thiếu giáo viên trầm trọng. Bên cạnh lịch dạy của mình, nhà giáo này phải sắp xếp lại thời gian để đảm đương thêm công việc của những đồng nghiệp đang là F0.
"Ví dụ như trước kia, lịch dạy buổi sáng của tôi chỉ có 3 tiết, nhưng bây giờ thì hầu như ngày nào cũng kín lịch 5 tiết vì tôi dạy thay cho các giáo viên mắc bệnh.
Một ngày, ngoài giấc ngủ 6 tiếng, trong lịch trình sinh hoạt của tôi không còn chỗ cho hai từ "nghỉ ngơi" bởi phải gồng gánh nhiều việc một lúc. Nhiều hôm, 1h sáng vẫn sáng đèn, nhìn "núi" công việc, từ sổ sách, chấm bài, soạn giáo án, nhập điểm… vẫn chưa xong, nước mắt tôi cứ vô thức mà rơi xuống".
Đối diện với vô vàn việc "không tên"
Bên cạnh việc dạy học kết hợp hai hình thức online - offline, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, giáo viên còn phải đảm nhận "nhiều vai", đồng thời đối diện với "núi" việc không tên…
Công tác tại một trường THCS ở Thái Bình, nhà giáo Trần Văn Trường cho hay, hiện nay, trường học đã ghi nhận khoảng 60% học sinh và gần 50% giáo viên trở thành F0, F1 sau vài tuần đến trường.
Sĩ số lớp học giảm, học sinh học trực tuyến đông hơn học sinh đến trường, do đó, ban giám hiệu đã đưa ra phương án nâng cấp hệ thống trang thiết bị, đường truyền để kết hợp song song 2 phương án: dạy học trực tuyến và trực tiếp.
Không chỉ "quay cuồng" khi phải "phân thân" trong những tiết học nửa on, nửa off, thầy Trường cho hay, giáo viên còn phải "gánh" trên vai công việc của một nhân viên y tế.
"Khi xuất hiện F0 tại trường, bên cạnh việc lập danh sách báo cáo, đưa học sinh đến phòng cách ly tạm thời… thì còn phải thực hiện công tác khử khuẩn. Nếu thuê người ngoài sẽ không đủ nguồn kinh phí, do đó, giáo viên chúng tôi phải cùng hai bác bảo vệ của trường, mặc đồ bảo hộ, thực hiện phun khử khuẩn, lau dọn sạch sẽ để đảm bảo an toàn cho học sinh".
Chia sẻ về những công việc, nhiệm vụ trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại, thầy Trường gói gọn trong hai từ "vất vả".
Cũng giống với thầy giáo Trần Văn Trường, hơn hai tuần trở lại đây, ngoài nhiệm vụ dạy học của một giáo viên, cô Lã Thanh Hà (giáo viên tiểu học tại Gia Lai) còn "kiêm" thêm vai trò của một… nhân viên y tế.
Có mặt tại trường vào lúc 7h sáng, một ngày của cô Hà bắt đầu bằng việc kiểm tra sĩ số, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho học sinh, sau đó xem những em nào vắng mặt, vắng vì lý do gì, có liên quan đến triệu chứng hay mắc Covid-19 hay không. Trong các tiết học, song song với công việc giảng dạy, nhà giáo này còn phải liên tục theo dõi, quan sát, nếu có học sinh xuất hiện triệu chứng ho, sốt… cô sẽ lập tức đưa học sinh xuống phòng cách ly để xét nghiệm, rồi trở về lớp lập danh sách báo cáo nhà trường.
"Hiện nay, tại Gia Lai, tình hình dịch đang trở nên phức tạp, nhà trường ghi nhận nhiều trường hợp học sinh, giáo viên là F0. Để đảm bảo an toàn trong trường học, thời điểm này, mỗi thầy cô cũng đóng vai trò của một nhân viên y tế.
Áp lực nhất có lẽ là thời điểm phát hiện có F0 trong lớp học. Mỗi lần có F0, giáo viên sẽ làm công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng F1, đưa F0 và F1 qua phòng cách ly, di chuyển học sinh còn lại qua phòng học dự phòng của trường để khử khuẩn lớp học. Sau đó, thầy cô sẽ liên lạc với phụ huynh của F0 và F1 để phụ huynh đến đón".
Trở về nhà, nhà giáo Lê Thanh Tâm cũng chưa được nghỉ ngơi do công việc còn đó bộn bề. Cô cho hay, vất vả nhất là việc soạn giáo án. Khác với việc chỉ dạy cố định trực tiếp hay online, thời điểm này, do kết hợp song hành hai hình thức dạy học, do đó, giáo viên cần chú ý soạn bài sao cho vừa đảm bảo được kiến thức cho những học sinh học trên lớp, đồng thời lại cô đọng, ngắn gọn nhưng thật đầy đủ để những em học online có thể tiếp thu dễ dàng hơn.
"Sau khi soạn bài, tôi tiếp tục ngồi hỏi thăm sức khỏe F0, F1, cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh để gửi lên nhà trường.
Những đầu việc ấy tưởng chừng nhỏ bé, không đáng kể, nhưng khi kết hợp lại, chúng lại chiếm khoảng thời gian lớn trong lịch làm việc của giáo viên. Công việc tăng gấp đôi, gấp ba, áp lực từ đây cũng không kể xiết. Tất nhiên, tất cả những việc này, giáo viên đều dựa trên sự trách nhiệm và tinh thần tự nguyện, không hề có sự ép buộc hay nhận lại một đồng phụ cấp nào".
Cũng theo cô Tâm, nhiều giáo viên trẻ, mới vào nghề, khi đối diện với vô vàn công việc trong thời điểm dịch bệnh, đã kiệt sức, mệt mỏi, thậm chí nghĩ tới việc từ bỏ.
"Khi chưa trở lại trường, dạy trực tuyến đã áp lực, công việc của giáo viên những ngày này còn áp lực gấp nhiều lần khi vừa phải đảm bảo chất lượng dạy học, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch. Có lẽ, điều duy nhất mà chúng tôi mong mỏi, chính là sự hợp tác, thấu hiểu giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh và giáo viên" - nhà giáo này tâm sự./.