Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2022 có hơn 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, trong đó có khá nhiều giáo viên đã từng công tác tại các trường công lập nổi tiếng.

Tại Hà Nội, giáo viên nghỉ việc nhiều nhất ở mầm non và rải rác ở các cấp học. Bên cạnh số giáo viên chuyển nghề, có một bộ phận giáo viên chuyển từ trường công sang tư. Theo bà Lưu Thị Ngọc Yến - phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm (Hà Nội) - tình trạng viên chức, lao động hợp đồng khối giáo dục nghỉ việc khá nhiều sau đại dịch. Nguyên nhân chính là do có nhiều cơ hội kiếm sống bằng công việc khác có mức lương tốt hơn mức lương chi trả cho nghề dạy học.

Đừng để gánh nặng áo cơm ghì người giáo viên

TS Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - phát biểu: "Người thầy giáo có thể không đi xe sang nhất, không dùng điện thoại tốt nhất. Nhưng người thầy không phải bận tâm việc cơm, áo, gạo, tiền thì mới nuôi được đam mê".

Cũng tại diễn đàn, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương - nhà sáng lập FAROS - phân tích: "Tôi cho rằng lương thấp chỉ là một trong vô số lý do khiến giáo viên bỏ nghề. Bởi lương giáo viên đã thấp từ trước đến nay chứ không phải bây giờ mới thấp. Nhiều người bỏ nghề vì không được làm điều mình mong muốn với lương tâm của một nhà giáo".

Thầy M. - giáo viên môn Văn ở TP Thủ Đức, TP.HCM - phân tích: "Tôi nghỉ việc không phải vì lương thấp. Bởi trước khi chọn học sư phạm, chúng tôi đã biết thu nhập của giáo viên như thế nào. Điều khiến tôi băn khoăn là giáo viên không được toàn tâm toàn ý với nghề của mình".

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đều cho rằng trong khi chờ Nhà nước thay đổi cơ chế, tăng lương cho giáo viên thì các đơn vị giáo dục có thể làm được ngay là chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất cho giáo viên, giảm tải, lắng nghe giáo viên và hỗ trợ cảm xúc cho họ...

Những áp lực ngoài công việc “giết chết” sự sáng tạo

Ngoài ra, cũng theo bà Uyên Phương, các giáo viên còn cảm thấy stress nhiều hơn khi họ không được chuẩn bị kỹ càng, không được đào tạo, nhất là khi phải thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa...

"Giáo viên không có tiếng nói với những chính sách liên quan đến mình. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh ngày nay đã và đang tạo áp lực cho giáo viên. Trước đây, khi con bị điểm kém, phụ huynh sẽ hỏi con mình. Nhưng bây giờ khi con bị điểm kém, phụ huynh chất vấn cô giáo của con là tại sao con tôi bị điểm kém?".

Trong khi đó, nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Quốc Vương cũng phân tích: "Với cơ chế như hiện tại, giáo viên rất khó hoàn thành sứ mệnh của mình. Thậm chí ở một số trường, việc giáo viên năng động, sáng tạo hơn lại là một cái tội với các đồng nghiệp. Có người khi trình bày và muốn thực hiện một ý tưởng mới lại gặp hàng loạt các rào cản từ cán bộ quản lý, giấy phép... để cuối cùng họ chỉ có thể trồng một cái cành trong khi ý tưởng ban đầu muốn trồng một cái cây".

5305-a-1668500067.jpg
Giáo viên không chỉ chịu sức ép từ công việc mà còn đang phải gánh thêm rất nhiều sức ép ngoài công việc chuyên môn và gánh nặng mưu sinh. Ảnh minh họa

Ngoài giảng dạy, giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía. Trong đó, việc tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức của giáo viên là phải tham gia các cuộc thi phong trào - bao gồm cả cuộc thi của giáo viên và các cuộc thi của học sinh. Đây chính là lý do tôi chuyển sang trường tư thục...".

Thầy M. cho biết: "Càng ở trường nổi tiếng thì giáo viên càng vất vả với những hoạt động ngoài giảng dạy. Bởi trường lớn thì không thể không tham gia phong trào, mà đã tham gia là phải đoạt giải. Muốn đoạt giải thì phải tốn công sức, thời gian tập luyện".

“Đừng giao cho giáo viên quá nhiều nhiệm vụ không phải là chuyên môn của nhà giáo - nó đã và đang gây ra những áp lực không đáng có, khiến giáo viên mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến quá trình giảng dạy”, Thầy Võ Kim Bảo (tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM) nêu vấn đề.

Ở trường công vẫn nặng về quản lý theo hành chính, sổ sách, khiến giáo viên mệt mỏi, đối mặt với nhiều áp lực không đáng có. GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tâm sự: "Tôi rất thấm thía với vòng xoáy này. Thực sự, có những lúc cảm thấy như mình kiệt sức. Khi chuyển sang trường ngoài công lập, tất cả các hoạt động phong trào đã có bộ phận khác lo, giáo viên chỉ lo dạy sao cho tốt, giảm tải được rất nhiều cho giáo viên".

Cô Khánh Ngọc - nhà sáng lập Cộng đồng dạy học tích cực hiện thu hút hàng chục ngàn giáo viên, cán bộ quản lý tham gia - cho biết: "Đã có nhiều giáo viên tìm đến tôi với tâm trạng tiêu cực. Họ cho biết không cảm thấy hạnh phúc. Có người từng rất yêu nghề nhưng giờ chỉ thấy mòn mỏi. Có người không chịu nổi áp lực từ môi trường làm việc thiếu dân chủ, chạy theo thành tích.

Mạng xã hội, sự phẫn nộ từ phụ huynh, dư luận xã hội mỗi khi có một nhà giáo phạm sai lầm cũng khiến giáo viên mỏi mệt. Những câu chuyện giáo viên bị "bẫy" ghi âm, chụp hình việc làm, hành vi phản cảm, giáo viên bị đe dọa khiến cho nhiều thầy cô giáo không muốn gắn bó với nghề lương thì thấp mà áp lực thì cao. Cũng có giáo viên cảm thấy không thể làm mới bản thân, mất dần động lực và cảm hứng nên muốn dừng lại".

Tuy nhiên, cô Khánh Ngọc cũng cho biết mỗi người có một điểm "nghẽn". Khi nó được khơi thông, các thầy, cô tìm lại được động lực, hứng thú, sự tự tin thì nhiều người đã thay đổi, quay lại với nghề.../.