nguoinghe.vn
Trên mạng cũng hỗ trợ các thầy cô mẫu đánh giá, góp ý sách giáo khoa lớp 4.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định Số 4334/QĐ-BGDDT 2022 phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành cho giáo viên các trường tiểu học nhận xét sách giáo khoa, để tiến hành chọn sách giáo khoa lớp 4, năm học 2023-2024.

Để nhận xét sách giáo khoa, giáo viên phải đọc sách giáo khoa, điền thông tin vào Phiếu đánh giá. Mỗi phiếu đánh giá có 4 tiêu chí và 17 minh chứng. Để có cơ sở nhận xét 4 tiêu chí và 17 minh chứng cho mỗi cuốn sách giáo khoa, giáo viên phải đọc kĩ, rút ra nhận xét, đánh giá, đây là công việc không hề đơn giản với giáo viên có tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp.

Hiện tại, giáo viên không có sách giáo khoa in, các cơ sở giáo dục đã gửi link sách giáo khoa điện tử tại địa chỉ: https://taphuan.nxbgd.vn/trang-chu của các nhà xuất bản để giáo viên đọc. Cô Mai Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 4, trường tiểu học một tỉnh phía nam chia sẻ “Chúng tôi được hướng dẫn nhận xét, đánh giá sách giáo khoa lớp 4 của ba bộ sách: Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống. Giáo viên chủ nhiệm lớp 4 như tôi, phải thực hiện nhận xét các đầu sách: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm.

Với 3 bộ sách và 6 đầu sách cho mỗi bộ, như vậy giáo viên chủ nhiệm lớp 4 phải đọc 18 cuốn sách giáo khoa để làm 18 phiếu đánh giá. Hơn một tuần đọc, nhận xét sách giáo khoa Toán 4 của bộ sách Chân trời sáng tạo, tôi đã “tá hỏa”, không còn đâu hứng thú, sức lực để đọc, so sánh sách Toán 4 của 2 bộ sách Cánh Diều, Kết nối tri thức và cuộc sống. Tôi chia sẻ với một số bạn đồng nghiệp giáo viên chủ nhiệm cùng khối 4, ai cũng có cùng cảm xúc.

Nói thật, dù có 3 đầu 6 tay, tôi cũng không thể nào hoàn thành 6 phiếu nhận xét sách Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm của 1 bộ sách giáo khoa, chứ chưa nói là cả ba bộ sách theo quy định.”.

Cùng có chia sẻ tương tự như cô giáo Mai Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ở một trường tiểu học khác mà người viết tiếp xúc đều cho rằng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nhận xét đồng thời 18 đầu sách giáo khoa của 3 bộ sách là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Giáo viên chủ nhiệm đã nhận xét sách giáo khoa lớp 4 như thế nào?

Cô giáo Nguyễn Thị Lan chia sẻ “Trường tôi có 8 lớp 4, tức có 8 giáo viên chủ nhiệm lớp 4. Khối trưởng khối 4 đã giao cho mỗi giáo viên nhận xét 1 cuốn sách giáo khoa của các bộ sách khác nhau. Sau khi nhận xét xong, giáo viên gửi bản nhận xét cho các giáo viên khác, thay tên đổi họ, nộp báo cáo. Như vậy, kết quả nhận xét có khi còn chính xác, sâu sát hơn, thay vì 1 giáo viên chủ nhiệm nhận xét cả 18 cuốn sách”.

Thực tế, một số giáo viên chẳng cần đọc sách giáo khoa mà sử dụng “công nghệ” xin cho, sao chép trên mạng, thế là có bản đánh giá nhận xét sách giáo khoa “xịn”. Nếu gõ vào Google cụm từ “nhận xét sách giáo khoa lớp 4”, có ngay các gợi ý để hỗ trợ giáo viên. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nhận xét đồng thời 18 đầu sách giáo khoa của 3 bộ sách lớp 4(Cánh Diều, Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo), các cơ sở giáo dục đã vô hình trung giao cho giáo viên nhiệm vụ mà kết quả thu về đôi khi chỉ mang tính hình thức, đối phó. Để hoàn thành nhiệm vụ tương đó khó này, giáo viên chỉ còn cách đối phó, tạo nên thói quen xấu, không có tác dụng giáo dục mà ngược lại, rất phản cảm trong giáo dục.

Đôi điều kiến nghị

Yêu cầu giáo viên nhận xét, góp ý sách giáo khoa không công, không có thù lao, khó mà thu được kết quả tốt, đó là một thực tế. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chỉ đạo các địa phương không yêu cầu giáo viên nhận xét, đánh giá, góp ý sách giáo khoa. Việc yêu cầu giáo viên nhận xét, đánh giá sách giáo khoa chỉ làm nặng thêm bệnh hình thức, bệnh đối phó đã có từ lâu trong giáo dục.

Thực tế, hội đồng chọn sách các trường cũng chỉ là hình thức, vấn đề đặt ra có cần năm nào cũng tiến hành bỏ phiếu kín để chọn sách không? Nhận xét, đánh giá, góp ý sách giáo khoa nên dành riêng cho hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh.

Hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh mới được cấp kinh phí, thời gian hoạt động toàn phần, có như thế mới khẳng định đúng vai trò, nhiệm vụ của hội đồng chọn sách giáo khoa. Các địa phương cần sớm thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh, dành thời gian đủ dài, đủ kinh phí, để các thành viên đọc, chọn lựa sách.

Không cần thành lập Hội đồng chọn sách giáo khoa các trường, nếu có, nên phân công mỗi giáo viên nhận xét, đánh giá một đầu sách, thay vì nhiều đầu sách, dẫn đến làm đối phó, làm theo “chỉ đạo”.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế tài, buộc các nhà xuất bản thu hồi sách giáo khoa có “sạn”, hoặc bồi thường cho “khách hàng” đã mua sách. Có như thế, các nhà xuất bản mới kiểm duyệt kĩ càng, thử nghiệm chính xác, khách quan, chất lượng sách giáo khoa sẽ được nâng lên.

Theo Lê Mai – giaoduc.net.vn