nguoinghe.vn
Những trang như thế này khiến sách giáo khoa bị lãng phí. Ảnh: Tổ Quốc

Câu chuyên lãng phí trong việc biên soạn, in ấn và phát hành SGK và các loại sách tham khảo cho học sinh phổ thông các cấp đã được dư luận xã hội nêu từ nhiều năm qua trên nhiều diễn đàn, báo chí, mạng xã hội. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự gây sốc khi Thanh tra Chính phủ công bố số tiền lãng phí ấy là gần 2.400 tỷ đồng, nhất là đặt trong bối cảnh hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc vì thu nhập không đủ sống trong năm qua và nhiều đứa trẻ nông thôn, miền núi còn phải thiếu ăn thiếu mặc, thiếu sách.

Đằng sau lãng phí là lợi nhuận

Điều đáng nói là phía sau hai chữ “lãng phí” ấy, là câu chuyện lợi nhuận được tính bằng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm của những nhà kinh doanh SGK. Dư luận xã hội ngạc nhiên vì sao chỉ cần một mẹo nhỏ là cho phép học sinh được viết vào SGK, các nhà kinh doanh sách đã biến hơn 300 triệu quyển sách phải vứt bỏ, dù chỉ sử dụng 1 lần và đa phần còn mới.  

Ai cũng thấy đó là một sự lãng phí. Chắc hẳn Bộ GD-ĐT với rất nhiều chuyên gia, trên tâm thế của người làm giáo dục, lấy hiệu quả giáo dục con người làm mục tiêu tối thượng, cũng nhìn ra!

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, NXB Giáo dục đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền để xây dựng mức giá đăng ký sách sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK; áp dụng tỷ lệ chiết khấu cao bất hợp lý (25%); tăng giá SGK gần 17% dù chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT… khiến học sinh phải mua sách giá cao với tổng số tiền 85 tỷ đồng.

Ngay việc đấu thầu cung ứng giấy in với một doanh nghiệp trong nước trong 5 năm liền với tổng giá trị 1.900 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần so với giá nhập khẩu, tương ứng khoản chênh lệch 210 tỷ đồng, cũng là yếu tố khiến giá thành SGK cao một cách vô lý. 

Dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD-ĐT và NXB Giáo dục sẽ được làm rõ khi những nghi vấn này được Thanh tra chuyển cho Bộ Công an để điều tra sau khi đã xin chủ trương của Chính phủ. 

Dư luận chắc cũng chưa quên Đề án đổi mới SGK 34.000 tỷ đồng từng làm nóng dư luận năm 2014. May mà đề án ấy đã bị tuýt còi! 

VietNamNet từng có bài về kết quả kinh doanh lãi kỷ lục từ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, khi dẫn số liệu năm 2021, đơn vị này in hơn 164 triệu quyển SGK, vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó trên 97% là từ hoạt động in ấn và bán SGK; Lãi sau thuế đạt gần 290 tỷ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà Bộ GD-ĐT giao. Đây là mức lãi cao nhất từ trước tới nay của đơn vị này, vượt xa lợi nhuận bình quân chỉ từ 120-150 tỷ đồng những năm trước đó.

Liệu có phải là điều bất hợp lý, thậm chí là bất nhẫn, khi sự lời lãi đó có được từ chiêu trò độc quyền sản xuất loại “sách dùng một lần”, mà phụ huynh dù muốn hay không cũng phải è cổ ra mua để con mình bằng bạn bằng bè. 

Sách “khổ to giấy đẹp” là tốt. Nhưng học sinh cần ở SGK những thứ thiết thực hơn thế và với giá cả hợp lý.

Phần lớn những người trưởng thành hôm nay, trong đó có cả lãnh đạo Bộ GD-ĐT không thể phủ nhận rằng, chúng ta đã lớn lên và nên người bằng chính tri thức từ những quyển sách cũ được chuyền tay nhau từ lớp trước cho lớp sau trong thư viện dùng chung của trường học. Giờ có điều kiện, phụ huynh có thể mua cho con trọn bộ sách mới. Nhưng nếu chỉ dùng 1 lần rồi vứt trong khi nhiều học sinh còn thiếu thốn, thì là một sự lãng phí không thể chấp nhận được. Không chỉ lãng phí tiền bạc, mà đó là đạo đức! 

Những kiến nghị về tăng lương, phụ cấp cho thầy cô giáo được đặt ra luôn được xã hội quan tâm, nhưng cũng luôn được nâng lên đặt xuống. Ngay cả Quốc hội cũng không thể nói quyết là được ngay.

Sự nghiệp giáo dục đâu chỉ có mỗi chuyện SGK! Lãng phí 2.400 tỷ đồng trong việc in ấn, phát hành SGK mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra hôm nay cũng chưa phải là tất cả!

nguoinghe.vn
Sách giáo khoa đang mang lại lãi kỷ lục cho nhà xuất bản giáo dục

Theo Vân Thiêng - vietnamnet.vn