Khó tránh tăng giá
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore (thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam) những ngày qua tiếp tục tăng mạnh hơn so với kỳ điều hành ngày 21/2.
Trên thị trường thế giới, theo ghi nhận của PV Tiền Phong vào 15h chiều 28/2, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 95,2 USD/thùng (tăng 4%). Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 97,9 USD/thùng (tăng 4%).
Lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối ở TPHCM cho biết, giá xăng dầu 5 lần tăng liên tiếp vừa qua đang khiến cho DN đầu mối cũng gặp khó khăn. Dù giá đã tăng ngày 21/2 nhưng doanh nghiệp đầu mối hiện vẫn bị lỗ, kéo theo nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở phía Nam vẫn còn tình trạng thiếu hụt tạm thời xăng RON 95 và nguồn cung nhỏ giọt.
“Giá xăng tăng cũng khiến chi phí vận chuyển và hàng hoá trong nước tăng theo ảnh hưởng đến hoạt động của chính DN đầu mối. Để giữ cho giá xăng không tăng mạnh lần thứ 6 liên tiếp trong kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý phải tính toán rất kỹ việc co kéo sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thậm chí giảm thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong thời gian tới nếu giá thế giới không hạ nhiệt.
Hiện không còn cách nào khác ngoài việc giảm thuế với xăng dầu nếu cơ quan quản lý không muốn chịu tác động lớn từ các vòng xoáy của giá xăng dầu liên tục tăng”, vị này cho hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một thành viên Tổ điều hành giá xăng dầu cho biết, sau 2 kỳ điều hành tăng giá từ Tết Nguyên đán cho đến nay, cơ quan quản lý đang phải dùng tối đa các công cụ điều tiết trong tay để kìm đà tăng giá của thị trường.
Tuy nhiên, đến nay dư địa để cơ quan quản lý điều hành, kìm giá xăng dầu không tăng mạnh trong các kỳ tới không còn nhiều. Cái khó trong điều hành hiện nay một phần do Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở một số doanh nghiệp đã bị âm lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đứng đầu trong số này là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với mức âm quỹ tính đến ngày 21/2 là 815,3 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng bị âm hơn 100 tỷ đồng.
“Việc Quỹ Bình ổn âm khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, có khi phải đi vay tiền ngân hàng để bù vào phần âm quỹ. Tất nhiên, cơ quan quản lý có cơ chế để hỗ trợ DN và sẽ bù đắp lại khi thị trường trở về trạng thái bình thường và quỹ dương trở lại”, vị này xác nhận.
Theo vị này, thị trường xăng dầu thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới vì chịu tác động của cuộc chiến tại Ukraine và dự trữ xăng dầu tại nhiều nước đang giảm. Trong kỳ điều hành lần trước, cơ quan quản lý đã phải giảm mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng RON95, tăng mức chi quỹ với các mặt E5RON92 để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới.
Hiện tại, cơ quan quản lý đã lên phương án hỗ trợ việc duy trì nguồn cung xăng dầu từ các nguồn, kể cả tăng nhập khẩu, và duy trì công cụ Quỹ Bình ổn giá ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
Có thể giảm 5.000 đ/lít xăng
Hiện thuế bảo vệ môi trường với xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít. Mức thuế này được quy định “cứng” trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu bỏ được thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng, trong ngắn hạn giá xăng dầu có thể giảm ít nhất 5.000 đồng/lít.
Thục Quyên
Lên phương án nguồn cung thay cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn
Về gỡ khó nguồn cung cho thị trường, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, những khó khăn tài chính của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đến nay đã tạm thời được giải toả, vì đã được cấp tài chính ngắn hạn để duy trì sản xuất tới hết tháng 5.
Tuy nhiên, hiện nhà máy vẫn hoạt động ở ngưỡng công suất 55-60% do cần chờ nguồn nguyên liệu dầu thô cập bến mới có thể bắt đầu tăng công suất trở lại. Theo kế hoạch, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ đạt công suất 80% vào giữa tháng 3 và chỉ có thể đạt 100% công suất từ dầu tháng 4 tới.
Dẫu thế đến nay, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5/2022. Thực tế vẫn chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy này ra sao.
Để đảm bảo cung ứng cho thị trường, theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có tính toán và yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng, dầu trong quý II để đề phòng trường hợp Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vẫn hoạt động chưa ổn định sau tháng 5. Bộ cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia chỉ đạo Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 105%.
“Các DN đầu mối đã đàm phán, tăng nhập khẩu từ các nguồn để bù đắp lượng thiếu hụt từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Việc này cũng khiến DN gặp áp lực do giá thành phẩm xăng dầu đang ở ngưỡng rất cao”, ông Đông cho hay.
Ông cũng cho rằng, đã tới lúc cần xem lại trách nhiệm của liên doanh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn trong đảm bảo cung ứng xăng dầu, an ninh năng lượng khi Chính phủ, Bộ Công Thương đã tạo điều kiện hết mức, đưa ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp trong thời gian qua.
PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, những gì xảy ra ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khiến thị trường xăng dầu rối loạn thời gian qua cho thấy DN này đã không làm tròn trách nhiệm trong đảm bảo cung ứng và cấp hàng theo hợp đồng đã ký với các DN. Vì vậy, cần xem xét trách nhiệm đối với đơn vị vận hành nhà máy này.
“Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lúc này là giải pháp tốt nhất hiện nay khi dư địa điều hành không còn nhiều. Dù giảm thuế bảo vệ môi trường nhưng ngân sách vẫn có nguồn thu tăng lên từ nhập khẩu xăng dầu. Giảm thuế cũng có thể chỉ cần áp dụng ngắn hạn. Đây là cách nhà nước chia sẻ tốt nhất với người dân lúc này”, ông Long nêu ý kiến./.