Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

1-1663231243.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Hiện nay, Nghệ An có khoảng 100.000 người lưu trú tại 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cộng đồng người Nghệ An ở nước ngoài luôn chấp hành pháp luật nước sở tại, phần lớn có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt với môi trường nước sở tại; luôn hướng về xây dựng quê hương đất nước, có đóng góp đối với mối quan hệ giữa nước sở tại với Việt Nam nói chung, giữa các địa phương nơi bà con sinh sống với tỉnh Nghệ An nói riêng. Cộng đồng người Nghệ An ở nước ngoài là cầu nối giúp quảng bá hình ảnh Nghệ An, thu hút đầu tư, văn hóa, du lịch ra nước ngoài, kết nối doanh nghiệp kiều bào, doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong tỉnh.

2-1663231286.jpg
Đ/c Phạm Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài tại tỉnh Nghệ An.

Từ năm 2015 đến tháng 8/2022, Nghệ An có 104.764 người đi làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng. Bình quân mỗi năm, Nghệ An có khoảng 13.000 – 14.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hoạt động xuất khẩu lao động góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát triển, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Lượng kiều hối chuyển về nước của kiều bào Nghệ An ở nước ngoài góp phần quan trọng trong việc ổn định, nâng cao đời sống, thu nhập của các gia đình, hỗ trợ chính quyền các cấp xây dựng quê hương, đặc biệt là các hoạt động thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An, lượng kiều hối qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt trung bình khoảng 250 triệu USD/năm. Ngoài ra, còn có số lượng kiều hối rất lớn gửi qua kênh không chính thức. Hàng năm kiều hối chuyển về tỉnh khoảng 500 triệu USD. Bên cạnh đó, có lượng lớn du học sinh sang các nước như Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp, Mỹ… đã học tập và trở về xây dựng đóng góp quê hương.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã vận động các kiều bào đầu tư về quê hương 15 dự án với tổng số vốn đầu tư 6.237,08 tỷ đồng. Các dự án đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh các dự án đầu tư, hàng năm Nghệ An còn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với các hoạt động xây dựng quê hương và các hoạt động thiện nguyện.

Các hoạt động gặp mặt kiều bào thường xuyên được tỉnh tổ chức, nhất là nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc. Các hoạt động diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, góp phần thắt chặt tình cảm, sự gắn bó giữa những người con xa quê với địa phương; khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng lao động vẫn còn. Các dự án đầu tư chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, chưa có các dự án mang tính động lực, chưa có các dự án đầu tư vào ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển giao công nghệ. Việc thu hút các chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương còn hạn chế. Công tác xác minh, theo dõi, quản lý số công dân Nghệ An vi phạm pháp luật tại nước ngoài, không được phía nước ngoài cho cư trú, đẩy đuổi trục xuất về địa phương có lúc, có nơi còn chưa thật sự chú trọng, thiếu tính kịp thời…

3-1663231343.jpg
Đ/c Trần Thị Thanh Lam – Thành viên Đoàn giám sát đề nghị tỉnh cho biết những kinh nghiệm trong công tác xuất khẩu lao động

Các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi về kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tuyển dụng và xuất khẩu lao động; giải pháp để hạn chế tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng lao động; công tác đầu tư kinh doanh của người Việt Nam ở nước ngoài; vấn đề di cư hợp pháp, an toàn; bảo vệ quyền của người di cư; cơ chế, chính sách bảo hộ, hỗ trợ người lao động...

4-1663231365.jpg
Đ/c Vi Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH làm rõ các vấn đề mà đoàn giám sát quan tâm

Đại diện một số sở, ngành của tỉnh Nghệ An đã báo cáo, làm rõ các ý kiến Đoàn giám sát quan tâm. Chia sẻ kinh nghiệm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách cho người lao động về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; công khai minh bạch hợp đồng tuyển dụng lao động, đơn hàng và các điều kiện cũng như chi phí, tiền lương, thu nhập của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Đồng thời, Sở cũng đã đưa ra những cảnh báo rủi ro sẽ gặp phải khi đi lao động ở nước ngoài tự do (không theo hợp đồng); tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và việc chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài được đẩy mạnh; chỉ đạo đẩy mạnh mô hình liên kết giữa xã, phường, thị trấn với đơn vị hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hoạt động Dịch vụ việc làm góp phần đưa công tác xuất khẩu lao động theo hướng có hiệu quả hơn…

Tại buổi làm việc, tỉnh Nghệ An đã kiến nghị một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam về di cư; đẩy nhanh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động di cư nhằm quản lý tốt hơn hoạt động di cư vì mục tiêu phát triển và kịp thời ứng phó với các vụ việc nảy sinh cần đến công tác bảo hộ công dân; ban hành, hướng dẫn quy trình quản lý, xử lý người Việt Nam bị trục xuất về nước để thống nhất thực hiện trên toàn quốc.

Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, thẩm định nhiều đơn hàng, tăng thêm thị trường tiếp nhận lao động ở các huyện nghèo để tạo cơ hội cho lao động có thêm lựa chọn đi xuất khẩu lao động. Đề nghị Bộ Ngoại giao có nhiều hình thức tập huấn, phổ biến, triển khai các văn bản pháp luật, các điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; chỉ đạo Cục Lãnh sự và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quan tâm hỗ trợ, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Nghệ An ở nước ngoài...

5-1663231396.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, thời gian qua kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng người Nghệ An ở nước ngoài. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản liên quan cũng như chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh thì hiện nay người lao động ở Nghệ An rất thiếu thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài. Việc cho/nhận con nuôi còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; việc buôn bán bào thai xử lý rất khó khăn…

6-1663231421.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, mục đích của đợt giám sát lần này của Ủy ban Đối ngoại là nắm bắt các thông tin, tâm tư, nguyện vọng, giải pháp, kiến nghị, đề xuất của Nghệ An cũng như các địa phương khác nhằm hình thành một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ liên quan về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Nghệ An, trong đó có nhiều cách làm hay, nổi bật và hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết trên cơ sở báo cáo và nội dung trao đổi tại cuộc làm việc, Nghệ An cần tiếp tục bổ sung các giải pháp, kiến nghị, đề xuất cụ thể hơn để Đoàn giám sát kịp thời nắm bắt, báo cáo với Quốc hội./.