Sáng 7-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 1-1-2020 đến 30-6-2022 và góp ý dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) và Luật khám chữa bệnh (sửa đổi).
Mở đầu buổi khảo sát, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho hay sau dịch COVID-19, ngành y tế chưa hồi phục hoàn toàn, còn đối diện nhiều thách thức, nhất là biến động nhân viên y tế tại bệnh viện công lập, cần có cơ sở pháp luật củng cố vấn đề này.
Bên cạnh đó, ngành y tế mong muốn phát triển xã hội hóa ngành y tế. "Đây là vấn đề ngành y tế bàn rất nhiều. Nếu không có sự đóng góp xã hội thì khó. Ngành y tế lấy hình ảnh chiếc máy bay, trên đây có người giàu, người nghèo. Chứ nếu người nghèo ngồi ở máy bay cũ, người giàu ngồi máy bay mới thì không ổn. Xã hội hóa là người giàu và nghèo đều ngồi trên máy bay hiện đại", ông Thượng lấy ví dụ.
TP khuyến khích tư nhân xây dựng nhiều bệnh viện tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng…
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho hay đoàn đã nghe nhiều ý kiến cử tri liên quan đến hoạt động ngành y tế, chủ yếu xoay quanh ba vấn đề: chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế; vấn đề biên chế, nghỉ việc và việc thiếu thuốc, vật tư y tế.
Do đó mục đích buổi khảo sát này là muốn nắm lại những khó khăn, vướng mắc về cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập cũng như việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị.
Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và UBND TP để hoàn thành dự án luật, giúp công tác khám chữa bệnh cho người dân được tốt hơn./.