uu-1690343677.jpg
 

Ngày 26/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra thông báo tìm người bị hại của vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra năm 2007-2008, dưới hình thức lừa đi xuất khẩu lao động.

Theo hồ sơ, năm 2007, có 3 đối tượng đã tham gia tư vấn, tuyển dụng, nhận tiền của người lao động để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Úc. Những người này gồm: Phạm Viết Giáp (SN 1973, trú Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An) - Giám đốc Công ty cổ phần Thép xây dựng Nghệ An; Phạm Thị Thu (SN 1963, hiện ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) và Triệu Thúy Quỳnh (SN 1973, trú Cầu Giấy, Tp. Hà Nội).

e-1690343710.PNG
Đối tượng Phạm Viết Giáp. Ảnh CANA.

Trong đó, cầm đầu là đối tượng Phạm Viết Giáp. Đối tượng này đã lập Công ty CP thép xây dựng Nghệ An, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 28/12/2005. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là “Hoạt động xây dựng chuyên dụng”, địa chỉ trụ sở: xóm Trung Thành, xã Hưng Đông, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động từ ngày 01/01/2008.

Phạm Viết Giáp và các đối tượng này đã tư vấn, tuyển dụng và nhận tiền của người lao động để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Úc thông qua Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Công ty SONA).

Sau khi nộp tiền, người lao động được cho đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Thăng Long ở Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian sau đó, người lao động đã không được đi xuất khẩu lao động tại Úc như các đối tượng đã hứa hẹn, cam kết.

Trong khoảng thời gian từ năm 2007-2008, Phạm Viết Giáp tiếp tục cùng với những người môi giới ở các tỉnh thành như Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội..., tổ chức tư vấn, làm thủ tục cho người lao động vào làm việc tại nhà máy thép của Công ty TNHH POSCO Việt Nam ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rồi đi sang lao động tại Hàn Quốc. Tương tự, sau khi nộp tiền, học nghề, người lao động cũng không được đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc như cam kết.

Lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An cho biết, nạn nhân của vụ án rải rác khắp 20 tỉnh thành trên cả nước. Hiện cơ quan công an đã làm việc với hơn 300 nạn nhân là bị hại của các đối tượng trong vụ lừa đảo trên. Hiện còn khoảng 200 bị hại chưa rõ thông tin lai lịch.

Vì vậy, để phục vụ điều tra vụ án, Công an tỉnh Nghệ An thông báo ai là bị hại trong vụ án hình sự trên, liên hệ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An, hoặc cán bộ Nguyễn Hồng Thành - Điều tra viên Đội 5, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An, điện thoại 0973.717.598.

Theo Nguyễn Anh Ngọc - nguoiduatin.vn