Chiều nay 21-3, chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (ngụ quận 7, TP.HCM) vừa cùng chồng đến trụ sở Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam, làm việc về nội dung chị phản ánh bị đại lý bảo hiểm tự ý dùng thông tin cá nhân và giả mạo chữ ký trên "Phiếu yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm" và hồ sơ mở tài khoản tại Ngân hàng Bảo Việt (chi nhánh Nam Sài Gòn), nhằm rút trót lọt 100 triệu đồng tiền bảo hiểm của chị Phượng.
Theo chị Phượng, dù chị đã nộp đơn khiếu nại tới Dai-ichi Life gần 4 tháng qua (từ ngày 30-11-2021), đồng thời đã gửi thư điện tử, tới tận nơi để đề nghị được gặp trực tiếp lãnh đạo công ty, nhưng phải đến sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh (mới vài ngày trước), Dai-ichi Life mới chủ động liên hệ để có cuộc gặp mặt trực tiếp với khách hàng.
Trong buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hiếu Trang - giám đốc dịch vụ khách hàng Dai-ichi Life Việt Nam - cho biết bất cứ khách hàng nào cũng có thể nộp phiếu yêu cầu thanh toán quyền lợi hợp đồng bảo hiểm, người nộp là khách hàng (bên mua bảo hiểm) hoặc người nhà, miễn có chữ ký của bên mua bảo hiểm.
Nếu nhận bằng tiền mặt thì khách phải cầm chứng minh nhân dân bản gốc để công ty kiểm tra. Trường hợp chuyển khoản thì khi nhận phiếu yêu cầu, phía công ty sẽ kiểm tra chữ ký có giống với hồ sơ đang lưu không. Khi chuyển khoản, công ty cũng sẽ đối chiếu tên tài khoản có trùng với tên khách hàng.
Trường hợp chị Phượng, trên phiếu yêu cầu rút 100 triệu đồng có chữ ký "phù hợp" với hồ sơ đang lưu tại công ty. Số tài khoản ngân hàng nhận tiền cũng trùng với tên chị Phượng. Dựa vào thông tin này mà công ty đã chuyển tiền. Sau khi chuyển, công ty gọi ngẫu nhiên tới một số khách hàng để kiểm tra lại.
Tuy nhiên, theo chị Phượng, phải 3 tháng sau khi bị rút tiền thì công ty mới gọi báo. Trong khi chị khẳng định không làm thủ tục rút tiền từ hợp đồng bảo hiểm, cũng không mở tài khoản ngân hàng trên để nhận số tiền trên.
Chưa kể, chị Phượng đã chủ động tới Ngân hàng Bảo Việt và bên ngân hàng cũng xác nhận người cung cấp mở tài khoản đứng tên Nguyễn Thị Hồng Phượng là ông Phan Trần Duy Hóa (đại lý bảo hiểm của Dai-ichi Life). Số điện thoại đăng ký để thực hiện các giao dịch chuyển/rút tiền online là do ông Hóa cung cấp, không phải số của chị Phượng.
Trong buổi làm việc, chồng của khách hàng này cũng bày tỏ bức xúc khi lãnh đạo Dai-ichi Life gửi thư từ chối với lý do chưa có cơ sở pháp lý, nếu nghi ngờ thì khách hàng đi báo cơ quan có thẩm quyền.
"Trả lời thư với khách hàng mà vô trách nhiệm, phủi tay", chồng của chị Phượng bày tỏ.
Trước chất vấn sau khi nhận đơn khiếu nại của khách hàng về việc bị mạo danh để rút 100 triệu đồng, phía công ty đã kiểm tra chữ ký trên các giấy tờ liên quan hay chưa nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng lẫn uy tín của công ty, Dai-ichi Life Việt Nam cho biết đã kiểm tra chữ ký trên giấy tờ rút tiền với hồ sơ lưu "bằng mắt" và thấy "phù hợp"!
Khi được hỏi là có chắc 100% là chữ ký của khách hàng không thì lãnh đạo của công ty bảo hiểm này trả lời: "Không khẳng định đúng 100%".
Tại buổi làm việc, ông Lê Hữu Lam Sơn - trưởng phòng pháp lý Dai-ichi Life - cho biết công ty sẵn sàng "hỗ trợ" khách hàng để làm đơn tố cáo với công an, đồng thời doanh nghiệp cũng làm đơn tố cáo về sự việc trên.
Bà Nguyễn Thị Hiếu Trang khẳng định nếu cơ quan điều tra kết luận chữ ký trên các giấy tờ rút 100 triệu đồng trên không phải của chị Phượng, công ty sẽ hủy giao dịch rút tiền, mọi quyền lợi của khách hàng đều được đảm bảo.
Dai-ichi Life Việt Nam cho biết sẽ thực hiện giám định chữ ký trên "Phiếu yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm" (đã rút ra trót lọt 100 triệu đồng) chậm nhất là ngày 31-3-2022. Trong đó phí giám định chữ ký do khách hàng là chị Phượng chi trả!
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định trong sự việc trên thời gian xử lý của công ty bảo hiểm kéo dài đến gần 4 tháng là quá lâu, chưa nhiệt tình hỗ trợ khách hàng và trách nhiệm của mình. Nếu giải quyết nhanh chóng thì còn bảo vệ được uy tín của doanh nghiệp.
Thời gian cơ quan chức năng đi giám định chữ ký kéo dài từ 7 - 15 ngày, thông thường người tố cáo nộp phí giám định, nhưng nếu phải nộp thì công ty bảo hiểm nên nộp vì thể hiện trách nhiệm và thiện chí với khách hàng.
Hơn nữa khi vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì công ty phải ngay lập tức gửi hồ sơ cho công an chứ không thể nói là hỗ trợ, vì trách nhiệm liên đới có liên quan đến công ty.
Bên cạnh đó theo luật sư Hùng, trường hợp cơ quan chức năng xác định người đại lý bảo hiểm giả mạo chữ ký nhằm qua mặt công ty bảo hiểm và ngân hàng, rồi rút tiền từ hợp đồng bảo hiểm của khách hàng, thì có thể sẽ bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định ở điều 174 Bộ luật hình sự 2015./.