Không thể dựa vào Quỹ bình ổn giá để kiềm chế đà tăng giá xăng

Từ 16h ngày 26/10, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít.

Mức tăng này là cao nhất từ đầu năm tới nay, đưa giá xăng trong nước cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Tại kỳ này, Liên Bộ không trích lập Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa, dầu diesel.

Đồng thời, chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 1.100 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước không chi).

Theo Bộ Công Thương, kỳ điều hành ngày 26/10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.

Trước thời điểm 16h00 ngày 26/10, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex âm (-262) tỷ đồng. Tại thời điểm 11/10, PVOil cũng âm quỹ bình ổn giá lên tới gần 700 tỷ đồng.

Do đó, nếu thời gian tới giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang, thì giá xăng dầu trong nước cũng không thể dựa vào Quỹ bình ổn giá để kiềm chế đà tăng.

Doanh nghiệp vận tải điêu đứng vì giá xăng tăng cao

Trước tình trạng giá xăng tăng cao, trong khi lượng khách và đơn hàng ở mức thấp do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà máy chưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và cộng với chi phí xét nghiệm khiến nhiều doanh nghiệp vận tải điêu đứng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương (hiện quản lý một trung tâm phân phối kho vận), so sánh việc giá xăng leo lên đỉnh trong vòng 7 năm giống như “một cú đấm knock out, khiến doanh nghiệp vận tải đang gượng dậy mà không thể gượng nổi”.

“Giá xăng dầu tăng, gây khó cho nhà xe đang hoạt động. Thậm chí, họ không thể đàm phán tăng giá cước vận tải với khách hàng khi nhiều doanh nghiệp mới chuyển từ mô hình '3 tại chỗ' sang '3 xanh', đơn hàng còn ít và phải chịu gánh nặng chi phí xét nghiệm”, ông Hùng nói.

Trước thực trạng trên, ông Hùng khuyến nghị nhà xe cố gắng chạy những đơn hàng lớn, của khách hàng cũ để giữ mối. Đối với đơn nhỏ lẻ, không có nhiều hàng, các chủ xe nên cân nhắc từ chối bởi càng phục vụ thì càng thua lỗ, không đủ chi phí để vận hành và phục hồi sau dịch.

Trong dài hạn, Nhà nước cần có biện pháp giảm bớt chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cụ thể ở đây là ổn định giá xăng dầu. Thay vì giảm, giãn thuế, ông Hùng đề xuất cách làm thực tế hơn như miễn phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Hiệp hội Logistics Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, cho rằng trước mắt, doanh nghiệp vận tải cần cố gắng cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết để tồn tại.

Tiếp đến phải tính chuyện tăng giá cước, tuy nhiên, giá xăng thì tăng ngay, còn muốn tăng giá dịch vụ thì cần thương lượng, ký lại hợp đồng với đối tác. Đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam khẳng định thiệt hại đầu tiên thuộc về công ty vận tải.

Để giảm giá xăng, cần tính tới giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu

Liên quan đến thực trạng trên, thông tin trên báo VietNamNet cho hay, Chính phủ từng yêu cầu tìm cách giảm giá xăng trong nước. Thế nhưng, đây là việc không dễ. Giá xăng dầu trong nước dù chưa phản ánh hết được diễn biến của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nhưng cơ bản vẫn biến động cùng chiều: Giá thế giới tăng, giá trong nước tăng.

Vì vậy, muốn giảm giá xăng dầu, chỉ có thể sử dụng công cụ của Nhà nước. Đó là thuế. Trong đó, giảm thuế bảo vệ môi trường là công cụ gần như hữu hiệu nhất. Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng kịch khung. Thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.

Từ đó đến nay, ngoại trừ việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay vào năm ngoái, thì thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, xăng RON 95 và các mặt hàng dầu vẫn giữ nguyên trên “đỉnh”. Muốn giảm sức ép lên giá xăng dầu thì giảm mức thuế này là hữu hiệu nhất.

Nhưng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách, lại đang lúc ngân sách khó khăn này, việc giảm thuế trước hết phải được sự đồng thuận của Bộ Tài chính để trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì thế, để giảm sức ép tăng giá xăng dầu lúc này hành động của Bộ Tài chính đóng vai trò quan trọng.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết giá xăng RON 95 thương phẩm bình quân trên thế giới 15 ngày gần nhất lên tới 100,38 USD/thùng (tăng 10,13 USD/thùng, tương đương tăng 11,23% so với kỳ trước). Một thùng xăng 158,97 lít, như vậy, một lít xăng RON 95 nhập về cảng có giá gốc khoảng 0,63 USD (tương đương 14.300 đồng/lít).

Theo quy định, cơ cấu giá xăng phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 20% (tương ứng 2.860 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.430 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.434 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.

Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (tối đa 300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (tại kỳ điều chỉnh 26/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng) và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi đó, mỗi lít xăng RON 95 hiện có giá bán lẻ trên thị trường tối đa 24.338 đồng. Vậy tổng chi cho các khoản thuế, phí có thể chiếm tới 50%, còn tính riêng tổng chi từ thuế thì chiếm tới 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95./.