Sáng nay 1/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn đại biểu TP.HCM) đã có những chia sẻ với PV về bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm trước thềm phiên họp.
Có thể đại biểu Quốc hội phải họp thêm buổi tối bàn giảm thuế đối với xăng dầu
Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, và đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm 2022?
- Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước đó khoảng 7%, đến năm 2020 chỉ còn tăng trưởng 2,9% và 2021 chỉ còn 2,6%.
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương và là một trong những điểm sáng trong kiểm soát phòng chống dịch, thích ứng an toàn với dịch.
Điều vui hơn là nhờ chúng ta tận dụng được các mối quan hệ quốc tế trong việc khai thác tìm kiếm vaccine, do đó chúng ta lo được vaccine cho gần 100 triệu dân. Tôi cho rằng, đây là thành quả rất là lớn.
Chính thành quả đó làm cho các hoạt động kinh tế xã hội, du lịch được mở cửa trở lại, giúp kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh trong thời gian vừa qua.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, ngay từ những tháng đầu năm 2022 tình hình kinh tế của Việt Nam chúng ta đã cải thiện rất rõ nét. Quý I tăng trưởng GDP đạt 5,03% cao hơn là quý I năm 2021 và 2020. Trong khi đó, CPI bình quân cả năm 2021 chỉ tăng 1,84% - vẫn trong tầm kiểm soát.
5 tháng đầu năm nay thu ngân sách được khoảng 55% dự toán, từ đó kéo giảm bội chi ngân sách nên nợ công cũng thấp hơn so với đầu năm…
Đặc biệt là chưa bao giờ chúng ta thấy một khí thế, tinh thần dân tộc dâng cao lên khi Việt Nam tổ chức thành công Seagame 31. Ngoài việc chúng ta dành được rất nhiều huy chương vàng, chúng ta nhìn thấy được lá cờ Tổ quốc Việt Nam chúng ta tung bay khắp nơi trên các sân vận động và người dân Việt Nam chưa bao giờ hát Quốc ca nhiều như thế. Cứ mỗi lần giành huy chương vàng chúng ta lại hát Quốc ca.
Tuy nhiên, điều đọng lại trong tổ chức Seagame này đó là chúng ta đem lại những hình ảnh tốt đẹp đến với người dân trên thế giới. Chưa bao giờ chúng ta tổ chức giới thiệu hình ảnh người Việt Nam lại thành công như vậy. Đây là niềm vui và điều này sẽ là động lực, tạo đà cho Việt Nam hoàn thành được kế hoạch kinh tế xã hội đặt ra trong năm 2022.
Tất nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Vậy đâu là khó khăn thách thức lớn nhất, thưa ông?
- Chúng ta đang gặp phải một thách thức rất là lớn đó là tình hình xung đột Nga – Ukranie kéo dài, dẫn đến khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhân đạo, đói nghèo… Trong bối cảnh đó, thế giới lại đang phải đối mặt với sức ép lạm phát leo thang – điều chưa từng có tiền lệ. Lạm phát tăng lên ở tất cả các nước trên thế giới như Mỹ hiện nay lạm phát lên đến 8,5% cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu và ghi nhận mức cao kỷ lục trong 40 năm qua. Hay như châu Âu lạm phát cũng ở mức 7,4% cao nhất trong 30 năm. Lạm phát của Anh là 9% cũng cao nhất 30 năm.
Một đất nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 668 tỷ USD, gấp 1,8 lần GDP. Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ lạm phát quốc tế "tràn". Một trong những biểu hiện có thể nhìn thấy ngay đó là việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, kéo theo đó là giá cả của hàng loạt mặt hàng khác cũng bị đội lên.
Một khi lạm phát cao, chúng ta sẽ phải "uống thuốc liều cao" để trị bệnh. Và một trong những "liều thuốc" chúng ta rất ngại uống nhưng phải uống là thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt chính sách tài khóa, phải nâng lãi suất. Đây là điều mà chúng ta rất lo ngại.
Một điểm hết sức lưu ý khác đó là khi lạm phát bùng lên thì chi ngân sách sẽ rất là "căng", và thậm chí phải có lúc thắt chặt ngân sách nếu như không kiểm soát chặt lạm phát.
Vì vậy, trong thời gian tới vấn đề làm sao kiểm soát giá, làm sao chống đầu cơ, làm sao tránh tình trạng "té nước theo mưa", làm sao đảm bảo được nguồn cung hàng hóa đầy đủ để góp phần bình ổn định được giá cả phải được đặt ra.
Bên cạnh đó, vấn đề về an sinh xã hội sẽ phải được quan tâm nhiều hơn. Như vậy, gói tài khóa tiền tệ hỗ trợ người nghèo, người lao động, doanh nghiệp,... tất cả phải được triển khai thật là nhanh.
Vậy để kiểm soát lạm phát, theo ông chúng ta cần phải hành động như thế nào?
- Tôi xin nhấn mạnh, lạm phát hiện nay của Việt Nam không phải là do mở rộng tiền tệ. Chúng ta đã nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, chúng ta có tiền mà không tiêu được, gói kích thích kinh tế không giải ngân và chưa giải ngân được gì. Tuy nhiên, lạm phát mặc dù trong tầm kiểm soát nhưng cũng đã dâng lên. Rõ ràng, như vậy lạm phát tăng đâu phải do gói kích cầu. Ở đây, lạm phát này là lạm phát chi phí đẩy. Mà trong chi phí đẩy này, quan trọng là chi phí về xăng dầu, chi phí về lưu thông, chi phí vận chuyển. Vì vậy giảm chi phí đẩy để giảm lạm phát.
Về giải pháp, tôi nghĩ Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội trong kỳ họp này, có thể đại biểu Quốc hội phải họp thêm buổi tối để bàn câu chuyện là nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Đây là dư địa để chúng ta có được thêm được công cụ kéo giảm lạm phát, kiểm soát giá xăng dầu, để tránh tình trạng có thể giá xăng dầu lan tỏa, đẩy "domino lạm phát" đến giá cả các mặt hàng khác. Như chúng ta đã biết, khi lạm phát "căng" thì "liều thuốc sẽ rất đắng" và đây là bài học đã từng xảy ra vào năm 2008 – 2011, cho nên chúng ta cần hết sức lưu ý.
Từ thực tiễn, ông dự báo thế nào về tăng trưởng và lạm phát năm 2022 của Việt Nam?
Tùy vào việc chúng ta có hành động để kiểm soát giá hay không. Nếu chúng ta không có hành động giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu thì lạm phát có thể vượt qua 6% và nếu như chúng ta hành động, lạm phát có thể chỉ ở mức 4% - 5%. GDP có thể tăng trưởng từ 6% trở lên.
Chi cho xăng dầu là bài toán hợp lý?
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu sẽ làm ảnh hưởng đến "nồi cơm" ngân sách, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế việc giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. Vì giá cả lên thì chi ngân sách tăng lên, chi đầu tư công sẽ tăng bởi tất cả các dự toán xây dựng xây lắp, chi thường xuyên thậm chí là chi tiền lương cũng phải điều chỉnh theo trượt giá, sẽ rất nguy kịch. Như vậy, thà chúng ta chi trước để các khoản chi khác không tăng lên đó mới là bài toán hợp lý.
Thực sự mà nói, thu ngân sách của chúng ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức nhưng vừa qua chúng ta đã tăng cường thanh kiểm tra, tăng cường công tác giám sát của cả hệ thống chính trị, giám sát của Hội đồng Nhân dân, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ Quốc, chúng ta đã từng bước giảm được việc gian lận thuế, chống thất thu thuế và những công cụ đó góp phần làm tăng thuế trong thời gian vừa qua rất nhiều.
Một số lĩnh vực lâu nay chúng ta thu rất ít đó là thương mại điện tử, gần đây cũng ta đã tập trung và thu được nguồn thu lớn từ lĩnh vực này. Lĩnh vực kinh tế số tới đây cũng là lĩnh vực chúng ta cần quan tâm.
Điều này cho thấy, điều quan trọng nhất là làm sao chúng ta đảm bảo được sự công bằng chống hàng gian, hàng giả, chống gian lận thuế để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp có như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp tăng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng nguồn thu ngân sách bền vững vào hệ thống chung.
Xin cảm ơn ông!