Công bố thống kê mới nhất của Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng lên 9,1% trong tháng 6 do chi phí xăng dầu và thực phẩm vẫn ở mức cao.

Điều này càng củng cố cho quan điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào cuối tháng 7 này. Lãi suất tăng đang giúp đồng USD mạnh lên và đang gây ra áp lực giảm giá đối với dầu.

Ông Colin Cieszynski, chuyên gia phân tích SIA Wealth Management, cho biết giới đầu tư đang lao vào đồng USD để trú ẩn an toàn đã đẩy đồng bạc xanh tăng mạnh và khiến giá dầu và nhiều loại hàng hoá lao dốc.

Theo ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích UBS Group AG, những lo ngại về suy thoái có thể đã đẩy một số nhà đầu tư ra khỏi giao dịch dầu mỏ như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đều cảnh báo rằng nhu cầu dầu đang suy yếu, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cũng chỉ ra, tồn kho dầu của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến, mà hiện các kho dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ tăng thêm 3,3 triệu thùng. Tất cả điều này đang đẩy giá dầu giảm.

Giá dầu Brent hiện đã giảm rớt rất mạnh, từ 139 USD/thùng vào tháng 3-2022 xuống còn 99 USD. Dầu WTI cũng chỉ còn 96 USD. Giá dầu dưới 100 USD đang thiết lập một cách bền vững suốt thời gian qua.

Theo Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore vẫn duy trì mức giá 124 USD/thùng. Với mức giá này mở ra cơ hội giá xăng trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt.