h-1654342190.PNG
Giá vàng trong nước và thế giới đều tăng nhẹ trong tuần (ảnh minh họa)

Hôm nay (4/6), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chốt giá phiên giao dịch cuối tuần với giá niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 68,75- 69,65 triệu đồng/lượng.

So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước hôm nay tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng thế giới ngày 4/6 đang ở mức 1.861,3 USD/ouce, tăng thêm gần 7 USD/ounce so với 1 tuần trước.

So với mức giá ở phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, giá vàng SJC giao dịch ở mức 61 triệu đồng/lượng, trừ chênh lệch giá mua- bán, đến thời điểm này nhà đầu tư vẫn còn lãi 7,75 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên so với mức giá đỉnh kỷ lục ngày 8/3 là 74,4 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm gần 5 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh giảm, mua bán quanh mức 53,95- 54,9 triệu đồng/lượng, so với 1 tuần trước thì giá vàng trang sức đã giảm thêm khoảng 250.000 đồng mỗi lượng.

Hiện khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra của vàng SJC hôm nay được giữ ở mức 900.000 đồng/lượng, giảm 100.000 đồng so với mức trung bình của tuần trước.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động theo giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC hơn 17 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thị trường thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuồi tuần tại 1.861,3 USD/ounce. Tuy vậy đêm qua, giá vàng thế giới có nhiều thời điểm lên mức 1.870 USD/ounce.

Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích của Commerzbank nhận định, giá vàng đang tiếp tục đà phục hồi. Quỹ ETF vàng đã ghi nhận giao dịch 2,7 tấn vào ngày gần đây.

Theo Reuters , vàng giao ngay có thể về lại mức kháng cự 1.879 USD/ounce và việc vượt qua mức này có thể dẫn đến đà tăng lên mức 1.892 USD/ounce.

Nhiều quốc gia đang tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Trong vòng 3 tháng trở lại đây, các ngân hàng trung ương đã có hơn 60 lần công bố tăng lãi suất.

Ngân hàng trung ương Canada cũng vừa tăng lãi suất cơ bản từ 1% lên 1,5%, các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự đoán, lãi suất cơ bản ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro sẽ tăng 50 điểm phần trăm vào tháng 7/2022.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang tính đến việc nâng lãi suất vào tháng 7/2022, lần đầu tiên kể từ năm 2011, và tiến tới chấm dứt cuộc thử nghiệm lãi suất âm kéo dài 8 năm vào tháng 9 năm nay.

Ngoài ra, các ngân hàng Trung ương của Australia, Ba Lan và Ấn Độ cũng đều dự kiến nâng lãi suất trong những tuần tới đây.