Càng nuôi càng lỗ

Thường xuyên duy trì khoảng 100 con lợn mỗi lứa, thế nhưng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, khu chuồng trại gia đình ông Trần Văn Khanh (70 tuổi, trú đội 5 xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam) hiện chỉ còn vài cặp lợn sề cùng mấy con lợn con.

Theo ông Khanh, nguyên nhân chính khiến người dân không còn "mặn mà" với gia súc, gia cầm nữa là do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh. 

d-1679463479.jpg
Ông Trần Văn Khanh chia sẻ về nỗi lo của người chăn nuôi lợn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng đã tăng 50-70% so với thời gian trước, đã "ăn sâu" vào phần lãi của người dân.

Ông Khanh cho biết, hiện tại một bao cám 25kg được bán với giá 350 nghìn đồng, so với năm ngoái đã tăng lên gần gấp đôi, mỗi con lợn khi xuất chuồng nặng hơn 1 tạ, tiền cám đã hơn 4 triệu, cộng với tiền giống, vaccine, kiểm dịch, chưa kể công chăm sóc cũng đã lỗ mất từ 800 nghìn đến 1.2 triệu đồng/con.

"Giá lợn hơi trong nước đang giảm mạnh, dao động từ 47-49 nghìn đồng/kg, trong khi đó thị trường tiêu thụ đang bế tắc; giá thức ăn tăng chóng mặt khiến người chăn nuôi trụ không nổi", ông Khanh chia sẻ.

a-1679463502.jpg
Người dân điêu đứng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trong khi đó, suốt hơn 10 năm làm nghề nuôi lợn, anh Bùi Ngọc Khanh (47 tuổi, chủ cơ sở chăn nuôi lợn tại Văn Giang, Hưng Yên) chưa bao giờ thấy “choáng váng” như lúc này.

Không chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn, mà đối với các hộ dân, việc giá lợn giảm cũng kéo theo nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

i-1679463564.jpg
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao ảnh hưởng tới người chăn nuôi. Ảnh: Vĩnh Hoàng

“Hầu hết các hộ chăn nuôi đều phải vay vốn ngân hàng, nhiều thì vài tỉ, ít cũng tầm hai ba trăm triệu, trước đây lời lãi không là bao, có chuyến còn lỗ, nay thức ăn cứ tăng vù vù thì không biết tiền đâu mà trả lãi”, anh Khanh nói.

Cùng tâm trạng giống anh Khanh, ông Lê Văn Hùng (Hợp tác xã chăn nuôi Chiến Thắng tại xã Tân Quang, Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, hiện HTX có 8 thành viên nhưng nay chỉ còn 5 hộ là còn bám trụ lại được với nghề nuôi lợn.

“Quy mô của HTX nuôi khoảng 7-8 nghìn con lợn/lứa, nhưng nay chỉ còn vài trăm con. Biết là nuôi là thua lỗ nhưng đành phải chấp nhận, vì là nghề đã gắn bó với mình nhiều năm nên bỏ cũng không đành.

Nếu đóng chuồng không nuôi, cả gia đình không có việc làm thêm cũng buồn”, ông Hùng nói.

ggg-1679463526.jpg
Anh Bùi Ngọc Khanh lo lắng vì càng nuôi lợn càng lỗ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi lợn?

Theo thống kê của người chăn nuôi, giá bán mỗi bao cám 25kg tăng từ 150 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng từ hai năm trước, đến nay đã tăng hàng chục lần liên tiếp.

Hiện nay, giá cám người dân đang sử dụng phổ biến là 350 nghìn đồng/25kg. 

Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, nguyên nhân chính khiến nông hộ “chết” là do giá thức ăn chăn nuôi quá cao, cộng với giá lợn hơi xuống thấp khiến người chăn nuôi lỗ nặng. 

“Nếu giảm được thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuống, từ đó giảm giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi thì không chỉ người nuôi lợn mà các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản khác cũng đỡ vất vả”, ông Trọng nói.  

Theo TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, để cứu ngành chăn nuôi khỏi thua lỗ cần phải hỗ trợ tín dụng bà con và doanh nghiệp chăn nuôi. 

Đồng thời miễn giảm những chi phí sản xuất, chăn nuôi như vaccine, kiểm dịch...

"Cần đánh giá lại tiềm năng, cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, đặc biệt là điều chỉnh được mục tiêu phát triển. Và phải có quy hoạch sản xuất, tổ chức lại sản xuất, nhất định phải theo chuỗi liên kết khi đó sẽ giúp nhà nước cân đối lại cung cầu", ông Dương nhấn mạnh

Ngoài ra, phải có những chính sách trong kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với doanh nghiệp và người dân.

Ông Dương cũng cho biết, cần phải tăng cường kiểm soát nhập khẩu, nhập khẩu chính ngạch về chất lượng, hạn sử dụng sản phẩm.

Theo Phạm Đồng - Vĩnh Hoàng - laodong.vn