Nhiều năm chăn nuôi bò thịt cung cấp cho thị trường, chưa có năm nào, anh Trần Văn Hiệp (thôn Đồng Trụ Tây, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) gặp khó khăn về đầu ra như thời điểm này. Đã khó tiêu thụ, giá bò hơi tại chuồng lại giảm sâu khiến anh và nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ.
Anh Trần Văn Hiệp chia sẻ: “Từ tháng 11/2021, giá bò hơi tại Hà Tĩnh bắt đầu giảm và khoảng 3 tháng gần đây thì giảm mạnh. Trước đây, giá bò hơi giống 3B khoảng 110.000 đồng/kg nhưng nay giảm còn khoảng 80.000 đồng/kg; giá bò cỏ khoảng 200.000 đồng giảm còn khoảng 160.000 đồng/kg.
Giá rẻ đã đành, bán cũng rất khó. Hiện tại gia đình tôi còn 7 con bò chờ xuất bán, để tiết giảm chi phí tôi phải ngừng sử dụng thức ăn công nghiệp, chuyển sang trồng cỏ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi. Chúng tôi cũng chưa tính đến việc tăng đàn nếu giá cả còn bấp bênh như bây giờ”.
Cũng đang đối mặt với thua lỗ do giá bò hơi giảm sâu, anh Dương Công Chung (thôn Đông Vĩnh, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) cho biết: “Tháng 1 năm ngoái, tôi mua giống 3B đã từ 25 – 30 triệu đồng/con. Nuôi cả năm trời nhưng vừa rồi bán chỉ được 40 triệu đồng/con. Giá thức ăn tăng cao nên tính ra lứa bò này tôi phải chịu lỗ. Hiện tại, trong chuồng vẫn còn 10 con bò đến kỳ xuất bán nhưng vì giá thấp, khó bán nên tôi vẫn đang phải nuôi cầm cự”.
Phân tích nguyên nhân khiến giá bò hơi giảm sâu, ông Phan Quý Dương - Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho hay: “Hiện nay, nguồn cung thịt bò khá dồi dào. Ngoài bò nội địa, Hà Tĩnh còn nhập bò hơi từ các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia... Trong khi, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu nên lượng bò của tỉnh ta xuất khẩu sang nước này giảm mạnh”.
Theo rà soát, đến thời điểm này, Hà Tĩnh có tổng đàn bò khoảng 168.150 con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng đàn bò tăng, nguồn cung dồi dào trong khi thị trường bị thu hẹp khiến cho việc tiêu thụ khó khăn.
Đối mặt với nhiều khó khăn trong thời điểm “bão giá”, hiện nay, người chăn nuôi bò đang tìm mọi cách để xoay xở nhằm tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Theo đó, bên cạnh cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp, nông dân Hà Tĩnh đã mở rộng diện tích trồng cỏ voi, cỏ VA06; dự trữ thêm rơm rạ; xay cây ngô, đậu, lạc để làm thức ăn dự trữ phục vụ chăn nuôi bò.
“Thời điểm này, bà con cần tính toán, cân đối đàn nuôi phù hợp. Trong quá trình nuôi nên tăng cường sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như: cỏ tươi, rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc và các phụ phẩm nông nghiệp khác để tiết giảm chi phí. Qua đó giúp giảm giá thành chăn nuôi và tăng sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Phan Quý Dương - Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh khuyến cáo.