xang-sri-lanka-16475618911801518785384-1647564050.jpg
Người dân Sri Lanka xếp hàng chờ mua dầu hỏa tại một trạm xăng dầu ở thủ đô Colombo ngày 17-3 - Ảnh: AFP

Giá dầu thô Brent tăng 8,8% ở mức 106,64 USD/thùng, dầu WIT tăng 8,4% ở mức 102,98 USD/thùng.

Theo tờ Financial Times, nguyên nhân của việc tăng giá là do những lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Trong cảnh báo ngày 17-3, IEA cho biết sản lượng dầu của Nga có thể giảm còn khoảng 3 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt của phương Tây và các nước tránh xa dầu mỏ Nga.

"Nguy cơ về sự gián đoạn quy mô lớn đối với sản xuất dầu của Nga đang đe dọa tạo ra một cú sốc về nguồn cung dầu toàn cầu", IEA nêu cảnh báo.

Giá dầu đã liên tục tăng kể từ ngày 24-2, thời điểm Nga đưa quân vào Ukraine và hạ nhiệt trong đầu tuần này khi một số triển vọng về chấm dứt chiến sự xuất hiện le lói.

Có thời điểm giá dầu Brent vọt lên mức 140 USD/thùng nhưng sau đó quay đầu giảm và rơi xuống dưới 100 USD/thùng vào ngày 15-3.

Giá dầu tăng đã gây thêm lo lắng về lạm phát. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) gồm 38 nước thành viên cảnh báo tăng trưởng toàn cầu có thể giảm 1% trong năm 2022 vì xung đột ở Ukraine.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế toàn cầu, OECD nhận định việc Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu nguyên liệu thô, thực phẩm và năng lượng cho thế giới đồng nghĩa tác động từ cuộc xung đột sẽ lan ra nhiều nước.

Trong cảnh báo ngày 17-3, OECD dự đoán nước Nga có thể rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng và lạm phát toàn cầu có thể tăng lên mức 2,5% nếu chiến sự tiếp tục kéo dài ở Ukraine.

Các nước phương Tây đã nỗ lực kiềm chế giá dầu, hối thúc các nước xuất khẩu dầu mỏ tăng sản lượng. Tuy nhiên có rất ít tiến bộ đạt được và tác động là chưa rõ ràng./.