Trò chuyện với chúng tôi, ông Thông cho biết, ông sinh ra trong một gia đình ngư dân miền biển có hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn, bố mất sớm khi ông chỉ mới 15 tuổi. Tháng 5/1972, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thông vác balo lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị C3, tiểu đoàn 79, trung đoàn 429, Sư đoàn 2 đặc công miền Đông Nam Bộ. Đơn vị tham gia huấn luyện tại Hà Tây (cũ) suốt nhiều tháng trời, học cách hóa trang với đủ các loại than, mực khiến ông và nhiều đồng đội bị dị ứng, ghẻ lở rất ngứa ngáy.
Kết thúc khóa huấn luyện, Trung đoàn nhận lệnh vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trận đánh đầu tiên chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thông tham gia là trận đánh vào một chốt của địch ở Đức Huệ, Long An. Trận đánh đó, sau khi chiếm được chốt, đại đội đã rút lui an toàn, bảo toàn được lực lượng. Nhưng không phải trận đánh nào cũng may mắn như vậy. Kí ức của CCB Nguyễn Văn Thông như chùng lại khi nhớ về trận đánh thứ 2 của đại đội. Hôm đó, đại đội nhận lệnh đánh vào chi khu Dầu Tiếng tháng 3/1975. Tương quan lực lượng chiến dịch khi ấy phía bên kia, lực lượng của địch tại Dầu Tiếng trước ngày nổ súng gồm 5 đại đội bảo an, 2 tiểu đoàn chủ lực, một chốt chiến đoàn, một chi khu quân sự, một khu tam giác pháo binh, 6 ban tề ấp cùng với hệ thống dân ý vụ, Chi công an, Chi thông tin, Chi chiêu hồi, mạng lưới tình báo và phòng vệ dân sự. Khi ấy, có vẻ như địch đã “ngửi” thấy ta đang chuẩn bị tiến công nên chúng đề phòng rất nghiêm ngặt nhưng tinh thần thì nơm nớp lo sợ. Lực lượng của ta, ngoài Sư đoàn 9 (Binh đoàn Cửu Long, nay là Quân đoàn 4) là chủ công, còn được tăng cường thêm Trung đoàn 16, 2 tiểu đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn tăng thiết giáp. Ngoài ra, tham gia trận chiến còn có Trung đoàn 3, Sư đoàn 341 làm nhiệm vụ giữ đường 13, khu vực Bàu Bàng và lính đặc công. Ông Thông được bố trí ở vòng ngoài. Do chưa nắm chắc tình hình nên khi đại đội luồn sâu vào tập kích địch đã bị phát hiện và bắn trả quyết liệt. Đại đội trưởng, Đại đội phó, Chính trị viên đại đội đều hi sinh, thân thể nằm lại tại chiến trường mà không thể lấy ra được. Kể đến đây, ông ngừng lại dụi tay vào khóe mắt cố ngăn những giọt lệ. Có lẽ hồi ức về trận đánh, những kỷ niệm không thể nào quên với đồng đội ngày ấy đã khiến ông bồi hồi, xúc động. Chúng tôi ngồi bên ông, im lặng, không hỏi thêm, cảm xúc và thời gian khi ấy dường như đang ngưng đọng.
Sau khi Dầu Tiếng được giải phóng, ông cùng đơn vị tiếp tục tham gia trận đánh vào Sở chỉ huy Lữ đoàn dù ở Bến Cát, Bình Dương để mở đường cho chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn. Ông còn nhớ như in đêm 16/8/1974, sau khi cắt hàng rào thép gai, ông cùng đồng đội luồn sâu vào căn cứ địch. Ông được phân công là bộc phá lệnh. Trong đêm tối, đạn pháo bay ràn rạt trên đầu, ông cùng đồng đội nhích dần từng tí một tiếp cận mục tiêu. Nhưng không thể xác định được địch nhiều hay ít cũng như việc bố trí phòng ngự, vì vậy đơn vị buộc phải rút ra ngoài. Đường rút đã bị pháo đánh sập, bịt lối, cả đại đội hi sinh gần hết. Ông Thông trúng nhiều mảnh đạn pháo, bị địch bắt làm tù binh và giam tại nhà lao Cần Thơ cho đến ngày Giải phóng miền Nam. Hiện ông là thương binh ¼ và trên cở thể vẫn còn 3 mảnh đạn pháo chưa lấy ra.
Hòa bình lập lại, rời quân ngũ ông trở về địa phương lập gia đình với cô giáo cùng làng. Ông tham gia HTX khai thác hải sản, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và làm Tổ trưởng tổ tự quản. Đầu năm 2023, cán bộ khối đến gặp gia đình ông, thông báo về kế hoạch mở rộng tuyến đường giao thông trục liên khối. Lúc đó con đường trước nhà ông chỉ rộng 2m, vùng biển đất chật, người đông, tấc đất tấc vàng nên việc vận động các hộ dân hiến đất là một việc rất khó khăn. Thấy việc làm hoàn toàn hợp lý và có ý nghĩa nên gia đình ông đã quyết định tiên phong hiến đất để cùng khối mở con đường rộng rãi hơn. Đồng thời tích cực đến từng nhà vận động bà con thấy được lợi ích của việc mở đường.Thấy ông gương mẫu đi đầu, các hộ dân đồng lòng hưởng ứng, trong đó có 5 gia đình hội viên CCB khối. Ông Thông cho hay, diện tích đất gia đình tự nguyện hiến trị giá trên 110 triệu đồng nhưng gia đình hoàn toàn tự nguyện. Đến nay, con đường đã được mở rộng thành 4m, đã xây xong hệ thống mương thoát nước và đang chuẩn bị thi công mặt bằng, đổ bê tông để hoàn thành tuyến đường, đảm bảo mọi người được đi lại thuận tiện.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội CCB phường Quỳnh Phương cho biết, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở đường giao thông, trong đó có gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông . Đây là việc làm có ý nghĩa cao đẹp, đáng trân trọng, thể hiện tính tiên phong của người lính trong đóng góp xây dựng nông thôn mới để phát triển quê hương.