Sinh ra và lớn lên trên vùng bãi ngang ven biển xã Đan Trường, những năm từ 1960 đến 1965, cụ Trần Thị Xoan tham gia dân công hỏa tuyến tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Sau đó, cụ về quê sinh sống cùng gia đình, tham gia sản xuất nông nghiệp.

Cụ Xoan sinh được 6 người con, nhưng số phận không may khi 5 người đã mất. Chồng cụ cũng qua đời vào năm 2018. Hiện cụ Xoan đang sống cùng con dâu và cháu nội, người con trai của cụ đi làm ăn ở tận miền Nam. Tuổi già sức yếu, cụ thường xuyên đau ốm, phải đi bệnh viện thăm khám.

1-1650591840.jpg
Bà Xoan đã "cắt vườn" 2 lần với khoảng 145m2 hiến đất cho thôn mở đường.

Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng khi xã, thôn đến vận động hiến đất mở rộng đường giao thông trục thôn, ngõ xóm, cụ đã không ngần ngại “gật đầu” đồng ý. Năm 2014, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, khi thôn Trường Thủy mở rộng tuyến đường trục thôn qua nhà cụ Xoan, cụ đã sẵn sàng hiến khoảng 60 m2 đất.

Cụ Xoan nhớ lại: “Đất nhà tôi rộng gần 700m2, trước đây chuyên trồng lạc và cây ăn quả như na, mít... Khi đó thấy vườn rộng mà đường xóm thì chật hẹp nên tôi đã lùi bờ rào vào một vài mét đất để thôn làm con đường thêm đẹp”.

2-1650591865.jpg
Cụ bà Trần Thị Xoan năm nay đã 84 tuổi

Vào tháng 7/2021, khi thôn Trường Thủy tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, để thực hiện tiêu chí giao thông là vấn đề rất khó khăn bởi “tấc đất, tấc vàng”.

Tuyến đường ngõ xóm đi qua nhà cụ Xoan dài 120m nhưng chỉ rộng 2 - 3m và nhiều chỗ quanh co. Với quyết tâm hoàn thành tiêu chí giao thông, cán bộ thôn đã tập trung vận động các gia đình hiến đất để mở đường.

Đồng lòng cùng thôn xây dựng nông thôn mới, 6 hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, phá cổng, đập tường rào để làm giao thông nông thôn, trong đó cụ Xoan hiến diện tích lớn nhất với 85m2 (trị giá khoảng trên 300 triệu đồng). Nhờ đó, giờ đây tuyến đường đã rộng 4,5 - 5m, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo cảnh quan thoáng đãng cho vùng quê.

3-1650591891.jpg
Nhờ người dân hiến đất, tuyến đường thôn Trường Thủy đã được mở rộng

Cụ Xoan bày tỏ: “Lúc đầu, khi thôn chặt mấy cây cổ thụ trong vườn, tôi cũng tiếc lắm vì cây đã gắn bó với cả cuộc đời mình. Nhưng rồi tôi lại nghĩ mình già rồi, sống ngày nào vui vẻ ngày đó. Đất có rộng, khi chết đi rồi cũng không mang theo được nên mình hiến cho xã hội mở đường, sau này thế hệ con cháu đi lại thuận tiện hơn. Dù vườn có bị thu hẹp lại nhưng nhìn đường sá rộng rãi thông thoáng, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi là tôi vui rồi”.

Chị Nông Thị Yến – con dâu cụ Xoan chia sẻ: “Dẫu “tấc đất tấc vàng”, gia cảnh không khá giả gì nhưng vì xóm, vì thôn, khi mẹ hỏi ý kiến việc hiến đất, tôi rất đồng tình và ủng hộ góp một phần nhỏ làm đẹp hơn cho quê hương. Mẹ cũng thường xuyên dặn dò con cháu phải luôn sống có ích cho xã hội, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương”.

4-1650591916.jpg
Cụ Xoan phấn khởi khi đường sá rộng rãi thông thoáng, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi.

Bà Trần Thị Hoa - Trưởng thôn Trường Thủy (xã Đan Trường) cho hay: “Trong việc mở rộng đường giao thông, chúng tôi đã đi gõ cửa từng nhà để tuyên truyền vận động. Đất đai là tài sản giá trị cao, trong khi tình trạng “sốt” đất đang diễn ra khắp nơi nhưng nhiều gia đình đã hiến cho thôn để mở đường, đặc biệt như cụ Xoan đã 2 lần hiến với tổng diện tích khoảng 145m2.

Khi người dân đồng thuận, ngoài xã hỗ trợ xi măng, gạch để làm lại bờ rào, cổng, thôn cũng đã huy động hàng trăm ngày công cùng 65 triệu đồng để cùng các gia đình xây dựng lại”.

5-1650591949.jpg
Cụ Trần Thị Xoan được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2021.

Bà Nguyễn Thùy Dung – Bí thư Đảng ủy xã Đan Trường cho biết: “Xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Đó là sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để đưa xã từ địa phương tốp cuối vươn lên trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân. Những tấm gương như cụ Xoan cùng một số gia đình khác thực sự là những điển hình ở địa phương, qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào xây dựng nông thôn mới trong Nhân dân”./.