Khi những người lính bảo vệ thành cổ gặp nhau, ký ức về những trận chiến ác liệt như được tái hiện. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thìn từng là tiểu đội trưởng C1 sư đoàn 325, trực tiếp tham gia trận đánh 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Đơn vị của ông đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Ông còn nhớ như in trận chiến cuối cùng vào ngày 15/9 khi phát hiện địch đang đổ bộ với mục đích cắm cờ tại điểm canh gác của ông và đồng đội. Trong lúc nguy cấp, ông và đồng đội vẫn kiên cường chiến đấu để tiêu diệt địch, ông bị thương nặng, được đưa về điều trị tại Quân khu 4.
Ông Nguyễn Văn Thìn – CCB xã Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An nói: “ Sáng 15/9, khi tầm 3 đến 4 giờ, địch bắn, bom, pháo, đạn thẳng của địch bắn nổi thành. Không cho bắt sống mà lúc đó bắt sống không thể, phải đổi mạng. Ví dụ tôi chết một mình tôi hoặc 3 thằng mấy tui chết hấn ít nhất phải chết 20 thằng hoặc 15 thằng, ý đồ tôi như thế, nếu có hy sinh cho bọn ni chết mới hy sinh cả ba thằng”.
Mỗi cựu chiến binh tham gia trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng trị ở một vị trí khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở lòng yêu nước và trung thành với Tổ quốc. Cựu chiến binh Hoàng Hữu Mân nhập ngũ vào Sư đoàn Nghệ An đỏ, được mệnh danh là quả đấm thép của tỉnh Quảng trị, hơn 7 năm từ 1969 đến 1976. Ký ức còn lại trong cựu chiến binh là một tinh thần chiến đấu quên mình không chỉ của bản thân mà rất nhiều đồng đội đã hy sinh. Hằng năm, ông đều thăm lại chiến trường xưa, tham gia tìm hài cốt đồng đội… như một cách để an ủi, tri ân với những người đã hy sinh.
Ông Hoàng Hữu Mân – CCB xã Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An cho biết: “ Không đưa được hài cốt về thì mình đưa quê hương vào cho đồng đội, đưa nước từ sông bùng, đưa đất từ núi mộ dạ và len hai vai hòa lẫn vào sông thạch hạn để cho các đồng đội. Tôi đưa cả một cây đa từ làng Nho Lâm này vào cho anh hùng Cao Như Thiêm ngay chỗ mất”.
Cựu chiến binh Võ Xuân Khuê từng là lái xe chuyên chở lương thực, thực phẩm, quân dược hàng ngày tiếp tế cho thành cổ Quảng Trị, rồi lại đón thương binh và đồng đội hy sinh ra tuyến ngoài để chữa trị và an táng. Nhắc lại ông cũng không hết bàng hoàng khi ngày nào cũng có người bị thương, hy sinh.
Ông Võ Xuân Khuê – CCB xã Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An trao đổi: “ Hình dung lại chiến dịch Quảng Trị cực kỳ khốc liệt ở đây anh em không ai nghĩ còn sống trở về, thực tế lúc đó cuộc sống chỉ tính bằng giây, vì không khi nào ngớt tiếng bom pháo, súng đạn ầm ầm, máy bay trinh sát khi nào cũng rền rĩ trên đầu. Anh em hy sinh, bị thương nhiều quá, một tiểu đội lúc đó còn nhiều 4 anh còn không 2 anh, gọi tiểu đội nhưng không có người mấy nữa”.
Diễn Châu có hơn 300 chiến sỹ trở về từ cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, do ảnh hưởng của vết thương hiện nay còn 277 người còn sống. Những người lính anh dũng năm xưa vẫn sống bình dị, lặng lẽ giữa đời thường. Họ luôn nỗ lực giáo dục thể hệ trẻ đem trí tuệ và sức trẻ xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp xứng đáng với hy sinh của những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc./.