Hiện nay việc cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng chủ yếu được thực hiện gồm các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính. Các ngân hàng thường có mức lãi suất cho vay thấp, nhưng thủ tục giấy tờ và thời gian phê duyệt khoản vay phức tạp và lâu hơn các công ty tài chính. Trong khi đó, các công ty tài chính có thủ tục vay, hồ sơ giấy tờ đơn giản, gọn nhẹ hơn, đi kèm là mức lãi suất cao hơn so với mức của các ngân hàng. Gần đây, các hành vi xâm phạm quyền lợi của người vay tiêu dùng của các công ty tài chính có xu hướng tăng cả về quy mô và mức độ phức tạp có khả năng gây ảnh hưởng, thậm chí là nghiêm trọng tới quyền lợi của người vay tiêu dùng.
FE Credit là công ty con của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, được thành lập vào năm 2015. Năm 2021, Ngân hang Việt Nam Thịnh Vượng đã bán 49% vốn điều lệ tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) của Nhật Bản. Sau nhiều năm hoạt động, đến nay, FE Credit là một trong những cái tên quen thuộc và đứng tốp đầu trong các công ty tài chính ở Việt Nam hiện nay. Hệ thống chi nhánh, văn phòng và điểm giao dịch trải dài trên toàn quốc, số nhân viên của công ty lên đến hơn 17.000 người. Hoạt động chính của FE Credit là giải quyết vấn đề khó khăn tài chính có thời hạn cho khách hàng thông qua dịch vụ cho vay của mình. Sản phẩm chính của đơn vị là cho vay tiền mặt, vay mua xe máy trả góp, vay mua điện thoại và hàng điện máy trả góp, vay mua bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều “lùm xùm” xung quanh việc cho vay của FE Credit được bạn đọc phản ánh và lan truyền trên nhiều trang mạng xã hội.
Hành vi che giấu thông tin
Theo bạn đọc việc thông tin trên trang web chính thức của Công ty có địa chỉ: Fecredit.com.vn cho vay tiền nhưng không công bố lãi suất cho vay là bao nhiêu, công ty đưa ra hình thức trả góp dẫn đến việc nhiều khách hàng đã nhầm lẫn, hiểu sai, sau đó vay tiền khi trả mới biết lãi suất quá cao.
Theo khoản 3, Điều 13 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định:
“3. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.”
Như vậy, theo quy định này thì doanh nghiệp phải đưa ra mức lãi suất cụ thể cho mọi khoản vay. Việc không thực hiện quy định này có dấu hiệu của hành vi che giấu thông tin, nhằm lừa dối khách hàng.
Lãi suất “cắt cổ”
PV đã đăng nhập vào trang web của Công ty để tìm hiểu theo thực tế, PV đăng ký khoản vay 50.000.000 đồng với kỳ hạn 5 tháng. Mỗi tháng người vay phải trả khoản tiền 11.152.599 đồng/tháng, trong 5 tháng liên tục. Ý nghĩa của khoản tiền này là 10.000.000 đồng tiền gốc, còn lại là khoản tiền lãi cho 50.000.000 đồng tính đều cho 5 tháng.
Như vậy, có thể tính được lãi suất cho số tiền thực tế được vay ở mỗi thời điểm (mỗi tháng) sau khi đã trả 10.000.000 đồng tiền gốc như sau:
- Tháng thứ nhất: được sử dụng 50.000.000 đồng với lãi suất phải trả là 1.152.599 đồng tương đương với 2,3%.
- Tháng thứ hai: được sử dụng 40.000.000 với lãi suất phải trả là 1.152.599 đồng tương đương với 2,88%.
- Tháng thứ ba: được sử dụng 30.000.000 với lãi suất phải trả là 1.152.599 đồng tương đương với 3,8%.
- Tháng thứ tư: được sử dụng 20.000.000 với lãi suất phải trả là 1.152.599 đồng tương đương với 5,7%.
- Tháng thứ năm: được sử dụng 10.000.000 với lãi suất phải trả là 1.152.599 đồng tương đương với 11,5%.
Thực tế lãi suất vay/1tháng = (1.152.599x5)/150.000.000 = 3,84%/1 tháng = 46,1%/1năm. Mức lãi suất này là quá cao, nhiều cửa hàng cầm đồ, người làm tín dụng “đen” cũng chỉ cho vay lãi đến mức lãi suất như vậy.
Lãi suất cho vay cao có vi phạm quy định?
Theo khoản 2, Điều 91 Luật tổ chức tín dụng quy định:
“2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.”
Việc tổ chức tín dụng được quyền thoả thuận với khách hàng về mức lãi suất, tuy nhiên vẫn phải thực hiện “theo quy định pháp luật” tức là phải đảm tuân thủ theo những quy định pháp luật khác.
Theo khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
''1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”
Từ việc cho vay với lãi suất quá cao, khách hang phần lớn là những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, nên đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự gây dư luận xấu trong thời gian vừa qua.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!