3-1680265803.jpg
Nhà thầu cào mặt thảm tại đoạn đường vừa bàn giao hơn một tháng để thảm lại. Ảnh: Tiến Hiệp

Liên quan đến sự việc đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh thuộc Dự án Nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh (sau đây gọi là Ban QLDA) làm chủ đầu tư xuất hiện nhiều vết nứt, lún sau một tháng bàn giao, nhiều người băn khoăn liệu có hành vi rút ruột công trình?

Năng lực nhà thầu thế nào?

Trước đó Báo GD&TĐ đã có bài viết: “Đường 1.500 tỉ ở Hà Tĩnh vừa bàn giao đã “nát”: Chủ đầu tư chủ quan khi xác định nguyên nhân?” phản ánh về việc một đoạn tuyến thuộc dự án đường ven biển 1.500 tỉ đồng ở Hà Tĩnh xuất hiện nhiều điểm rạn nứt.

Ông Lê Viết Hòa, Phó Giám đốc Ban QLDA cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rạn nứt bề mặt nhựa là do lượng phương tiện qua lại nhiều, trong đó có xe tải trọng lớn và ảnh hưởng từ khí hậu, thời tiết.

Công ty Cổ phần 484 có địa chỉ tại số 152, đường Trường Chinh, phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An là đơn vị thực hiện thảm nhựa đoạn đường bị rạn nứt trên.

Đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc điều hành là ông Trần Quang Hảo. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường bộ; sản xuất bê tông, xi măng, thạch cao và bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng…

Công ty Cổ phần 484 đã tham gia 53 gói thầu, trong đó trúng thầu 36 gói, trượt 12 gói và 4 gói chưa có kết quả, 1 gói đã hủy thầu với tổng giá trị 3.465 tỉ đồng.

Đơn vị là nhà thầu quen mặt khi liên tiếp trúng thầu tại các đơn vị như: Ban QLDA 4 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (trước khi giải thể, trúng 14/18 gói); Khu Quản lý đường bộ II thuộc Bộ GTVT (trúng 5/7 gói); Ban QLDA Vốn sự nghiệp giao thông tỉnh Quảng Ninh (trúng 4/4) gói.

Dự án Nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng có tổng chiều dài 62 km với tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, được thực hiện từ năm 2017 tới năm 2022 gồm 3 đoạn tuyến: Xuân Trường (nay thuộc Đan Trường) - Thạch Bằng dài 32,6 km, Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân dài 12,4 km (hoàn thành mặt đường) và đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh dài 18 km.

Trong 3 đoạn tuyến thì đoạn Đan Trường - Thạch Bằng và đoạn Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân đã được hoàn thành từ trước năm 2021. Với đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh vừa được hoàn thành và bàn giao vào tháng 12/2022.

Trách nhiệm thuộc đơn vị nào?

Đánh giá về vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Tinh Thông cho rằng: Trước mắt, vấn đề này đã gây ra thiệt hại về chi phí, công sức cũng như dẫn đến sự nghi ngại về chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư cho rằng do ảnh hưởng của nhiệt độ, thời tiết và các yếu tố khách quan khác là chưa đầy đủ. Để khẳng định việc rạn nứt, hư hỏng bề mặt nhựa cần phải lấy mẫu thí nghiệm để xác định có phải chất lượng kém hay không.

“Đến nay, thiệt hại chưa được xác định giá trị cụ thể nhưng có thể nhận thấy là không hề nhỏ. Đối với vấn đề này, cơ quan chức năng cần phải tiến hành làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hỏng bề mặt nhựa để xác định trách nhiệm cụ thể của các chủ thể đối với thiệt hại” luật sư Bình nêu ý kiến.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị chủ đầu tư dự án. Đơn vị này phải chịu trách nhiệm chính trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh về chất lượng của dự án công trình này.

Do đó cần xem xét trách nhiệm quản lý, giám sát chung của chủ đầu tư. Kế đến là trách nhiệm của đơn vị thi công phần thảm nhựa bê tông là Công ty Cổ phần 484. Ngoài ra còn xem xét trách nhiệm của các cá nhân tham gia trong công tác quản lý và thực hiện dự án nêu trên.

Các luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần điều tra xem liệu có hành vi rút ruột công trình hay vi phạm trong quá trình thi công hay không để tiến hành xử lý vi phạm nếu có.

Theo Phạm Đức Huy - giaoducthoidai.vn