Theo thông tin từ Cục Thống kê Nghệ An cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có gần 1.500 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, Nghệ An chỉ có hơn 2.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký thành lập khoảng 18.566 tỷ đồng, giảm gần 5.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Kiệt sức, rời khỏi thị trường
Thị trường xuất khẩu và trong nước luôn trong tình trạng ế ẩm kéo dài, cộng với đó là những chi phí liên tiếp phát sinh đã khiến cho nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đối mặt với khó khăn chồng chất. Một báo cáo mới đây về tình hình kinh tế - xã hội của Nghệ An năm 2023 cũng đưa ra những số liệu cụ thể, cho thấy bức tranh nền kinh tế tỉnh này vẫn còn tăng trưởng ở mức thấp so với điều kiện bình thường và thấp xa so với mục tiêu đề ra.
Đơn cử như ngành công nghiệp và xây dựng, theo số liệu thống kê, tính từ đầu năm đến nay, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của tỉnh Nghệ An chỉ tăng 5,3% so với năm trước, đây được đánh giá là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 – 2023 và chỉ đóng góp 0,93 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh.
Trong khi đó, ngành xây dựng chỉ trông chờ vào những công trình lớn, trọng điểm như đường cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, đường ven biển từ Nghi Sơn – Cửa Lò, đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kền… còn hàng loạt dự án bất động sản, đầu tư công khác vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, chưa có dấu hiệu triển khai thực hiện.
Nguyên nhân chỉ ra là hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực này bị sa lầy trong vũng bùn suy thoái, khủng khoảng kinh tế toàn cầu khi giá nguyên vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường bất động sản trầm lắng, chính sách tiền tệ thắt chặt...
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng không mấy khả quan, giảm cả về số lượng lẫn chất lượng so với năm 2022. Hàng nghìn đơn vị doanh nghiệp đã phải tạm ngừng cuộc chơi, lặng lẽ rời bỏ thị trường. Theo đó, Cục Thống kê Nghệ An thông tin, lũy kế năm 2023, toàn tỉnh có 1.468 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 13,27 so với cùng kỳ năm trước; số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 177 đơn vị, tăng 15,69%. Ngoài ra, hơn 250 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 41,81%; số doanh nghiệp thông báo giải thể là 402 đơn vị, gấp 2,7 so với năm 2022.
Riêng trong tháng 12/2023, Nghệ An có hơn 80 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9,33% so với năm trước. Số doanh nghiệp thông báo giải thể là 40, còn doanh nghiệp đã phá sản là 11 đơn vị, giảm 15,38% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, trong năm qua, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là hơn 2.000 doanh nghiệp, giảm 2,32% (- 48 đơn vị) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng số vốn đăng ký thành lập là 18.566,9 tỷ đồng, giảm 4.666,4 tỷ đồng so với năm ngoái. Đáng chú ý, số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong tháng 12 la 43 doanh nghiệp; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trở lại 944 doanh nghiệp, tăng 6,19%.
Khó khăn chồng chất, nợ thuế tăng cao
Không những vậy, bức tranh nhuốm màu u ám nêu trên cũng thể hiện rõ qua việc nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn Nghệ An rơi vào tình trạng “báo động” khi bị cơ quan thuế tỉnh này liên tục “chỉ mặt, điểm tên” do nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước kéo dài.
Theo đó, Cục thuế tỉnh Nghệ An vừa có thông báo số 4289/TB-CT về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước. Cụ thể, tính đến tháng 12, có 42 doanh nghiệp ở Nghệ An nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với số tiền là 1.177 tỷ đồng.
Đáng nói, đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, mã số thuế 2900471372, có địa chỉ tại số 2, đường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An với số tiền nợ thuế lên đến 950 tỷ đồng. Doanh nghiệp này do bà Chu Thị Thành (SN 1960, trú ở TP Vinh, Nghệ An) giữ chức Chủ tịch HĐQT và cũng là người đại diện pháp luật. Được biết, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001, là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Nghệ An trong suốt nhiều năm qua.
Sau 22 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Thiên Minh Đức đã tạo ra một hệ sinh thái với nhiều công ty con và chi nhánh hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Xăng dầu, khí hóa lỏng, bất động sản, sản xuất giấy, bao bì, logistic, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, vận tải biển… Trong đó, ngành nghề chính làm nên tên tuổi của Tập đoàn này là: Bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Tại Nghệ An, Tập đoàn Thiên Minh Đức sở hữu Tổng kho xăng dầu lớn nhất Bắc Trung Bộ. Tổng kho xăng dầu này có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ năm 2019.
Đáng chú ý, số tiền nợ thuế trên của doanh nghiệp xăng dầu năm 2023 này đang gấp khoảng gần 40 lần đơn vị nợ thuế thứ 2 là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24, có địa chỉ đường Xiêng Khoảng, xã Nghi Phú, TP Vinh.
Cũng theo thông tin từ ngành thuế Nghệ An, trong số khoảng 40 doanh nghiệp nợ tiền thuế lớn từ 190 triệu đồng trở lên với tổng số tiền hơn 1.170 tỷ đồng thì riêng Thiên Minh Đức đang chiếm đến hơn 80% tổng số tiền nợ thuế của nhóm này.
Liên quan đến vấn đề này, qua tìm hiểu PV được biết, mới đây vào ngày 20/12, Cục thuế tỉnh Nghệ An cũng đã có thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Chu Thị Thành. Lý do mà đơn vị này đưa ra, đó là bà Chu Thị Thành là người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Thiên Minh Đức, là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Ngoài Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, top 10 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất tỉnh Nghệ An còn kể đến các doanh nghiệp khác, điển hình như: Công ty xây dựng 16 – Vinaconex nợ 14 tỷ đồng, Gạch ngói Sông Lam nợ 13 tỷ đồng, Công ty CP Tư vấn và xây dựng Miền Trung nợ 13 tỷ đồng, Khoáng sản Tín Hoằng nợ 12 tỷ, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An nợ 10 tỷ đồng, Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp BMC nợ 10 tỷ đồng,…
Theo ông Nguyễn Đình Đức - Cục trưởng Cục thuế Nghệ An thông tin: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ thuế tăng trong năm 2023 do thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến các đơn vị kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, trong khi đó việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều vướng mắc dẫn tới nợ tiền sử dụng đất…Bên cạnh đó, nợ thuế bảo vệ môi trường, do hoạt động kinh doanh xăng, dầu của các đơn vị đầu mối trong cả nước gặp nhiều khó khăn.
Hiện, ngành thuế đã và đang quyết liệt trong công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế. Ngoài các biện pháp theo quy trình, quy định về quản lý nợ thuế, Cục cũng đã phối hợp các cấp, các ngành để thực hiện các biện pháp bổ sung…