m-1633143631.jpg

3 bị cáo trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc ho giả. Ảnh: Như Bình

Bí mật trong xưởng sản xuất thực phẩm chức năng của nam dược sĩ 

Vũ Tiến (SN 1986, trú thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố ra trước tòa án xét xử về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Liên quan đến vụ án này, Bùi Quý Phúc (SN 1986, trú TP Hải Dương) bị truy tố tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, Nguyễn Hữu Tiến (SN 1983, trú thị xã Hoàng Mai, Nghệ An bị truy tố tội “Mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Vũ Tiến là dược sĩ, vợ làm y tá. Hoạt động trong ngành Dược, Tiến nhận thấy thị trường thực phẩm chức năng dễ làm ăn nên làm thủ tục mở xưởng sản xuất vitamin dạng kẹo. Xưởng hoạt động một thời gian ngắn thì dịch Covid-19 xảy ra nên hoạt động cầm chừng trong khi chưa hoàn được vốn.

Tháng 7/2020, dịch tạm lắng xuống nhưng thị trường chưa kịp phục hồi do hoạt động kinh doanh, vận tải vẫn đang bị kiểm soát chặt chẽ. “Buồn ngủ lại gặp chiếu manh”, Tiến được Bùi Quý Phúc đến đặt hàng sản xuất thuốc ho theo mẫu để bán online. Tiền nguyên liệu Phúc sẽ lo, đồng thời hứa trả tiền công cho Tiến từ 14-17 triệu đồng.

Vốn có kinh nghiệm sản xuất thuốc ho dạng ngậm nên Tiến sử dụng nguyên liệu sẵn có để sản xuất 50 viên theo mẫu của Phúc để người này “nghiệm thu”. Do viên mẫu Tiến sản xuất có màu hơi sáng so với viên thuốc mẫu nên Phúc mang tới 10 lọ kháng sinh Tera, bảo Tiến nghiền trộn vào nguyên liệu. Lần này, sản phẩm ra có màu hơi tối so với mẫu, Phúc yêu cầu Tiến tăng giảm tỉ lệ nguyên liệu để cho ra sản phẩm giống viên mẫu nhất.

Vũ Tiến sử dụng 2 kg thuốc kháng sinh, nghiền mịn, trộn với 50 kg đường, 100 kg Lactose (một loại đường có trong sữa và các chế phẩm sữa), 38 kg can xi và 10 kg Brometain (một loại enzyme). Toàn bộ hỗn hợp trên qua quá trình trộn, tạo ẩm, xát hạt, sấy khô, trộn bột bôi trơn và cho vào máy dập viên, ra thành phẩm như yêu cầu của Phúc. 

Từ số nguyên liệu trên, sau 5 ngày sản xuất Vũ Tiến làm được 100 kg viên thuốc mà người này nhận ra giống loại thuốc ho Phacoter của Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 sản xuất và bán trên thị trường.

Nhận hàng từ Tiến, Bùi Duy Phúc mang về đóng vào lọ nhựa và dán nhãn thuốc Phacoter giả đã chuẩn bị sẵn. Phúc mang những lọ thuốc này đóng vào thùng cát tông (264 lọ đóng vào một thùng), chở vào Nghệ An giao cho Nguyễn Hữu Tiến bán theo kế hoạch đã được bàn bạc, thống nhất từ trước.

Vào tháng 8/2020, Nguyễn Hữu Tiến nhận 27 thùng thuốc từ Bùi Duy Phúc và chuyển khoản cho người này 180 triệu rồi mang đến các hiệu thuốc tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội và Hà Giang giới thiệu. Mỗi lọ thuốc Phúc bán cho Tiến giá 45.000 đồng, Tiến chào hàng cho các hiệu thuốc 55.000 đồng, còn các hiệu thuốc bán cho khách bao nhiêu tiền thì Tiến không rõ.

Chưa hưởng lợi đã ngồi tù

Trong quá trình bán, các nhà thuốc nhận được phản ánh từ khách hàng về việc các hộp thuốc thiếu viên và không có vị đắng như thuốc họ sử dụng trước đó. Một số nhà thuốc liên hệ với Hữu Tiến để trả lại hàng. Hữu Tiến yêu cầu Phúc nhận lại thuốc và hoàn trả tiền cho mình nhưng Phúc nói sẽ điều chỉnh lại vị đắng của thuốc để đổi số thuốc bị các cửa hàng phản ánh kia. Ngày 21/8/2020, khi Phúc mang thuốc vào đổi cho Hữu Tiến thì bị Công an thị xã Hoàng Mai phát hiện.

Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ tổng cộng 37 thùng các tông chứa 9.440 lọ thuốc Phacoter giả do nhóm của Phúc sản xuất, buôn bán. Lý giải lý do làm giả thuốc Phacoter giả, Bùi Quý Phúc cho rằng loại thuốc này dễ làm giả từ mẫu mã của viên thuốc đến hộp đựng và nhãn mác.

x-1633143666.jpg

Bị cáo Vũ Tiến tại phiên tòa. Ảnh: Như Bình

Tổng số thuốc Phacoter giả mà nhóm Bùi Quý Phúc, Vũ Tiến và Nguyễn Hữu Tiến sản xuất, buôn bán có giá thị trường là hơn 680 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định, trong vụ việc này Bùi Quý Phúc hưởng lợi bất chính hơn 154 triệu đồng, Nguyễn Hữu Tiến hưởng lợi hơn 100 triệu đồng. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, trong khi Vũ Tiến thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình thì Bùi Quý Phúc và Nguyễn Hữu Tiến tỏ ra quanh co, thiếu thành khẩn. Phúc cho rằng mình không phải là chủ mưu trong vụ việc mà chỉ làm theo hướng dẫn của một người đàn ông khác nhưng lại không cung cấp được thông tin để cơ quan chức năng xác minh nhân thân, lai lịch của người đàn ông này.

Trong khi đó Nguyễn Hữu Tiến khẳng định bản thân không biết đây là thuốc giả, cứ nghĩ Phúc có nguồn hàng rẻ nên lấy bán để kiếm lời. Bản thân Tiến cũng không có kiến thức gì về y dược, danh xưng “trình dược viên” mà Tiến giới thiệu với các nhà thuốc cũng do gã tự phong.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX nhận định Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố các bị các tội danh trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đại diện của Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 có mặt tại phiên tòa cho biết, thiệt hại của công ty đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của các bị cáo là vô cùng lớn. Theo vị đại diện này, doanh thu đối với sản phẩm này trong năm 2019 là gần 30 tỷ đồng.

Sau khi vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả này bị phát hiện, công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thương hiệu, uy tín và doanh thu vì mang tiếng oan là sản phẩm kém chất lượng. 

Mẹ của bị cáo Vũ Tiến mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho con trai. Theo bà, do làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng của dịch, trước áp lực phải trả nợ nên Tiến mới phạm tội. Trong vụ án này Tiến chưa được hưởng lợi gì. Bùi Quý Phúc hứa sẽ trả tiền công từ 14-17 triệu đồng nhưng Phúc mới chỉ đưa 10 triệu đồng để mua nguyên liệu sản xuất, chưa thanh toán tiền công. 

Xem xét vai trò, tính chất mức độ phạm tội của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Bùi Quý Phúc 6 năm 6 tháng tù; bị cáo Vũ Tiến 6 năm tù; Nguyễn Hữu Tiến 5 năm 6 tháng tù. Tòa cũng buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 và các hiệu thuốc số tiền thiệt hại do hành vi sản xuất mua bán số thuốc giả này gây ra./.