Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để không phải có những đợt hỗ trợ tiếp theo, chiến lược chăm lo chỗ ăn ở, an sinh, nâng cao tiền lương, y tế... với người lao động cần được tăng cường. Bên cạnh đó, để hạn chế việc tăng giá tiền phòng trọ, lợi dụng chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để đẩy tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các địa phương phải vào cuộc, quản chặt giá nhà trọ trên địa bàn.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc hỗ trợ công nhân quay trở lại thị trường lao động là cách làm rất thời sự, khá phù hợp, để trước mắt kéo người lao động quay về với guồng máy sản xuất khi gánh đỡ phần nào chi phí ăn ở, chăm lo vấn đề an sinh.
Ông Cường cũng nhấn mạnh tính chất, hỗ trợ tiền thuê trọ 3 tháng với mỗi người lao động chỉ là giải pháp ngắn hạn, cấp thiết. Về dài hạn, cần tính kế sách ổn định cuộc sống cho người lao động, bố trí nhà ở phù hợp với giá, lương, tiền trên thị trường lao động.
"Giải pháp dài hạn vẫn là phải giải quyết nhà ở cho người công nhân, hình thức có thể là làm nhà cho thuê mua hoặc thuê thời vụ với hộ gia đình, nhóm công nhân... đều được", ông Cường nêu quan điểm.
Ở góc nhìn thực tiễn, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho rằng, hướng giải quyết cốt yếu vấn đề nhà ở cho công nhân phải gắn liền với khâu làm quy hoạch, mở rộng các khu công nghiệp - dân cư, công nghiệp và đô thị.
"Đã qua rồi thời kỳ chúng ta chạy theo các ngành nghề sản xuất chỉ để giải quyết việc làm, chống đói ăn, đói mặc. Cần phải biết nghĩ đến quy hoạch, chiến lược về xây dựng cụm công nghiệp gắn với vùng dân cư, cụm công nghiệp gắn với cụm đô thị", ông Bé khuyến cáo.
Ông Bé phân tích, trước đây, TPHCM có chủ trương xây dựng ký túc xá dành cho công nhân, chung cư cho người lao động thu nhập thấp để ở. Tuy nhiên, do quy mô nền kinh tế thành phố mở rộng, số lượng doanh nghiệp mới thành lập nhiều khiến cơ sở hạ tầng, nơi ăn chốn ở cho công nhân không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, quỹ đất của thành phố có giới hạn, ngày càng thu hẹp. Các công trình nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân, thực tế, đều được quy hoạch xa thành phố, vùng ven, khó thu hút được người lao động đến ở.
Theo chuyên gia từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM, quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp tại TPHCM ít, manh mún và nhỏ lẻ. Thậm chí có hiện tượng giao đất cho các doanh nghiệp không có nhu cầu, quá trình sang nhượng qua lại khiến dự án bị thay đổi, đất được sử dụng không đúng mục đích.
Ngăn chặn chủ trọ vin cớ tăng giá phòng
Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty may Đức An (Dĩ An, Bình Dương) nhận định: "Việc hỗ trợ chi phí nhà trọ cho công nhân, lao động là việc làm hết sức ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Việc hỗ trợ không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho công nhân mà còn gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn vì tình trạng thiếu lao động sau dịch".
Tuy nhiên, để đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước thực sự có hiệu quả, các chuyên gia và bản thân người lao động cùng thống nhất kiến nghị chính quyền địa phương vào cuộc để ngăn chặn việc chủ nhà trọ lợi dụng giá cả leo thang để tăng tiền phòng ở. Như thế, khoản tiền hỗ trợ từ ngân sách không còn ý nghĩa.
Anh Vi Đức Mạnh (quê Hà Giang), một công nhân tại khu công nghiệp ở TPHCM cho biết: "Giá thuê nhà trọ ở TPHCM sau dịch đã hạ nhiệt do nhiều người không còn quay lại thành phố làm việc. Tuy nhiên, gần đây, khi hầu hết người dân đã được tiêm mũi 2 và 3, sẵn sàng trở lại làm việc thì phòng thuê đã thiết lập lại mặt bằng giá như trước, thậm chí xu hướng tăng lên đã bộc lộ".
"Nếu chủ trọ lợi dụng việc tăng giá hàng hóa hay vin cớ do lao động được Nhà nước hỗ trợ để tăng giá thuê phòng trọ thì rất khó cho người lao động. Nhà nước chỉ hỗ trợ trong ngắn hạn, tối đa 3 tháng mà chủ trọ lại lợi dụng để tăng giá tiền thuê phòng từ giờ trở đi thì thêm khó với người lao động chúng tôi", anh Mạnh nói./.