Theo các tài liệu ghi chép lại thì họa sĩ người Pháp J.Chéret (1835-1932) được cho là người đầu tiên phát minh ra hình thức quảng cáo hiện đại. Đó là tờ quảng cáo một buổi biểu diễn vào năm 1867, gồm một câu ngắn và một hình ảnh màu mè gây ấn tượng mạnh.

Theo dòng lịch sử, các hình thức quảng cáo xuất hiện ngày càng đa dạng với sự sáng tạo mang tính đột phá của con người. Nhiều quảng cáo không chỉ đơn thuần là phương thức tiếp thị thương mại còn hàm chứa ý nghĩa văn hóa – xã hội lớn, để lại ấn tượng sâu đậm đối với người tiêu dùng. Và không có gì ngạc nhiên khi những người làm truyền thông đã sử dụng hình ảnh, thương hiệu của người nổi tiếng như nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ,... để lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị của thước phim hay áp phích quảng cáo.

Song giống như “con dao hai lưỡi”, khi hình ảnh người nổi tiếng được sử dụng một cách phù hợp thì sẽ làm gia tăng giá trị của quảng cáo đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy hành vi mua hàng đối với sản phẩm, dịch vụ được quảng bá đó.

Ngược lại, khi nghệ sĩ, diễn viên tham gia quảng cáo “biến” thực phẩm chức năng thành thần dược, PR cho tiền ảo không được cơ quan chức năng cấp phép hay giới thiệu các cơ sở thực hiện dịch vụ thẩm mỹ “chui”,... thì chẳng những khiến hình ảnh của người nổi tiếng trở nên lố bịch, xấu đi trong mắt công chúng đồng thời chẳng khác nào hành vi tiếp tay cho “gian thương” lừa dối người tiêu dùng.

Dẫu biết showbiz vốn là chốn thị phi, nhiều kẻ chẳng chút e ngại tự tạo scandal để trở nên nổi tiếng nhằm ký kết được nhiều hợp đồng quảng cáo giá trị lớn. Thế nhưng, đối với những nghệ sĩ hành nghề chân chính thì thiết nghĩ liệu có nên vì lợi ích kinh tế trước mắt mà từ bỏ lòng tự trọng, cam tâm đánh đổi danh dự nghề nghiệp tốn công gây dựng cả một đời chỉ vì sự cám dỗ kim tiền?

8-1699068978.jpg
Nhiều nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng đóng quảng cáo "rác" khiến dư luận bức xúc.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, nhiều người nổi tiếng đăng quảng cáo đồng tiền mã hóa FXT bị cho là liên quan đến tổ chức lừa đảo. Đây là ví dụ mới nhất sau nhiều năm người nổi tiếng vướng vào nghi án quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, công dụng khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Hay mới đây, MC Quyền Linh vừa gửi lời xin lỗi đến đông đảo công chúng sau khi giới thiệu sản phẩm S trên trang cá nhân. Quyền Linh thừa nhận đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vì vậy, nam MC nhận thức rằng vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc đối với anh sau hơn 20 năm làm nghệ thuật, mong khán giả đừng hiểu lầm anh là người vì tiền mà quảng cáo bất chấp.

Ngoài MC Quyền Linh, chắc chẳn còn không ít các nghệ sĩ khác có thể do vô tình hay cố ý song vẫn đang “tiếp tay” cho những quảng cáo “trá hình”, thổi phồng công dụng của sản phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng. Hoặc giả trong nhiều trường hợp, có kẻ xấu đã cắt ghép, sử dụng tên tuổi nghệ sĩ để quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội nhằm trục lợi, xem như công cụ bán hàng. Điển hình là vụ việc MC Trấn Thành bày tỏ bức xúc khởi kiện một cơ sở bán máy massage vì đã lợi dụng hình ảnh của anh để quảng bá sản phẩm.

Tại điểm b, khoản 3, điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo.

Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Như vậy, pháp luật đã quy định về mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo mạo danh người nổi tiếng rất cụ thể. Nếu thấy hình ảnh của mình bị sử dụng không xin phép, gây hậu quả xấu, các nghệ sĩ có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý vừa bảo vệ quyền lợi của mình và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, cũng mong rằng các nghệ sĩ nổi tiếng hãy lưu tâm đến uy tín, danh dự nghề nghiệp của bản thân cũng như lòng mến mộ của khán giả mà cân nhắc trước khi tham gia quảng cáo cho các sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đừng để công chúng khi nhìn thấy hình ảnh của nghệ sĩ trên tờ rơi hay đoạn phim quảng cáo nào đó mà phải bưng miệng cười, than rằng “trăm năm hề vẫn là hề” (!)