Bề dày thành tích
Tại Nghệ An, nhiều thế hệ giáo viên, phụ huynh, học sinh luôn tự hào những thành tích, kết quả về giáo dục và đào tạo tỉnh đã đạt được. Không chỉ Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu với bề dày thành tích, ở những trường học khác tại các huyện, nhiều năm nay luôn là điểm sáng về dạy và học.
Nhiều năm nay, kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của học sinh Nghệ An luôn nằm trong tốp đầu cả nước; kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022, tỉnh xếp thứ 20 cả nước, tăng 14 bậc so với năm 2021.
Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, đến nay, tỉnh có 3 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế, 9 em đoạt Huy chương Bạc và một em đoạt giải Khuyến khích kỳ thi Olympic Toán quốc tế TIMO năm 2023. Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Nghệ An có 87 em đoạt giải (trong đó, có 7 giải Nhất, 32 giải Nhì, 30 giải Ba và 18 giải khuyến Khích; xếp thứ 2 cả nước, sau thành phố Hà Nội).
Nghệ An từ lâu còn biết đến là tỉnh đi đầu trong khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ trong xây dựng cơ chế, chính sách; hình thành mô hình giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học; thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học. Tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng môi trường giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục miền núi. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo quyết liệt.
Trên địa bàn tỉnh, các mô hình mới đang phát huy hiệu quả tích cực như: "Trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm", "Phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ Mầm non", "Hỗ trợ trẻ 5 tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp từ Mầm non lên Tiểu học"... Tỉnh triển khai thí điểm xây dựng mô hình 5 trường Trung học Phổ thông và 9 trường Trung học Cơ sở trọng điểm chất lượng cao; mô hình trường Mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; mô hình trường giúp trường, phòng giúp phòng, hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi...
Các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nghề nghiệp có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Việc hoàn thiện, phát triển mạng lưới trường lớp giáo dục nghề nghiệp hướng đến phù hợp yêu cầu thực tiễn và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trường Đại học, xếp thứ 3 trong vùng Bắc Trung Bộ về số lượng trường. Ngoài ra, còn có 9 trường Cao đẳng, 12 trường Trung cấp, 12 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 3 trường chất lượng cao, 16 trường có ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, ASEAN, quốc gia. Đội ngũ nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 2.260 người, trong đó trình độ trên Đại học 558 người, Đại học 949 người...
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh, trong năm học 2022-2023, tỉnh đã hoàn thành đề án sáp nhập các Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An; tham mưu văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào Quy hoạch hệ thống các trường đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tạo đột phá trong giáo dục và đào tạo
Tại Nghệ An, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đến nay, trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn tồn tại một số hạn chế: Chất lượng giáo dục toàn diện một số nơi còn thấp. Chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý, giảng viên, viên chức, người lao động chưa đồng bộ, chưa phù hợp, có mặt chưa tương xứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới... Các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh còn có ngành học, chương trình đào tạo giống nhau nhưng chưa có nhiều chương trình chất lượng cao, tiên tiến, đạt kiểm định khu vực, thiếu chương trình liên kết với các đại học nước ngoài có uy tín. Còn tình trạng cạnh tranh trong việc tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo giữa các trường. Hạn chế này đang làm phân tán nguồn lực con người và cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo.
Nghị quyết 39-NQ/TW ngoài nêu định hướng tập trung phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục và đào tạo còn chỉ rõ việc cần tạo đột phá trong lĩnh vực này.
Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, hiện nay, tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án và mô hình phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng và triển khai đề án cơ cấu lại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh; nâng cấp Trường Đại học Vinh trở thành Đại học Vinh, trở thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế; tạo đột phá về chuyển đổi số trong ngành giáo dục, phát triển bền vững giáo dục - đào tạo. Nghệ An đầu tư, nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả hoạt động các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, giáo dục nghề nghiệp, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, năm học 2023 - 2024, ngành tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 39-NQ/TW, Chiến lược quốc gia và Chiến lược của tỉnh về phát triển bền vững giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Riêng đối với bậc giáo dục Đại học sẽ hướng đến việc hoàn thành, trình phê duyệt đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. Hướng đến mục tiêu chung tới 2025, tái cơ cấu các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh thành Đại học Nghệ An, lấy nòng cốt là Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh; đến năm 2030, phát triển theo hướng chuẩn hóa khu vực và quốc tế; đến năm 2045, Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ.