Nguy cơ từ kẽ hở xe thanh lý
Tháng 2/2021, chiếc xe ô tô biển số xanh BKS 26M-000.76 loại 7 chỗ, được sản xuất từ năm 1993 tại Nhật Bản gặp TNGT trên QL6 thuộc địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, làm một người trên xe thiệt mạng.
Thời điểm trên, hệ thống dữ liệu đăng ký, đăng kiểm phương tiện đều ghi nhận đứng tên chủ phương tiện là Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Sơn La.
Tuy vậy, đơn vị sở hữu xe cho biết, chiếc xe đã được bán thanh lý cách đó gần một năm và đã bàn giao hồ sơ giấy tờ cho người được thanh lý để sang tên, đổi chủ theo quy định.
Những tưởng sau đó phương tiện phải sang tên, đổi chủ, nhưng cuối tháng 7/2021, phương tiện tiếp tục được cấp chứng nhận đăng kiểm dưới tên chủ xe cũ là Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Sơn La.
Đáng nói, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sau khi xảy ra vụ tai nạn nói trên, cơ quan chức năng tại Sơn La phát hiện hàng chục trường hợp xe công trên địa bàn đã được bán thanh lý, nhưng chưa sang tên, đổi chủ và tiếp tục dùng biển số hết giá trị sử dụng để lưu hành phương tiện.
Vì vậy, Phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La có văn đề nghị các đơn vị đăng kiểm tại Sơn La tạm dừng kiểm định các xe đã được thanh lý nhưng chưa chuyển đổi đăng ký.
“Do phương tiện được chúng tôi đăng lên mục cảnh báo trên toàn hệ thống quản lý kiểm định xe cơ giới nên lần này chỉ cấp chứng nhận đăng kiểm 15 ngày. Song chúng tôi cũng khó biết chủ xe có sang tên, đổi chủ và bổ sung hồ sơ đăng kiểm xe không”, một đăng kiểm viên (ĐKV) tại Sơn La thông tin.
Cũng theo đăng kiểm viên này, mấy năm trước chiếc xe trên chỉ đăng kiểm ở Sơn La, còn vừa qua đăng kiểm tại một trung tâm ở Thái Nguyên nên lách được việc bị tạm dừng đăng kiểm tại địa phương.
Đề cập vấn đề trên, theo đại diện một số trung tâm đăng kiểm phía Bắc, hiện rất phổ biến tình trạng các xe ô tô đã thanh lý nhưng không sang tên, bổ sung hồ sơ đăng kiểm.
Việc quản lý xe thanh lý chưa chặt chẽ cũng là kẽ hở dễ bị lợi dụng để biến hồ sơ xe thanh lý thành hồ sơ xe đời mới, giá trị cao.
“Hiện không có hệ thống tra cứu dữ liệu đối với các xe thanh lý, xe tịch thu bán đấu giá nên dễ xảy ra trường hợp làm giả giấy tờ thanh lý để làm thủ tục đăng kiểm và chuyển đổi đăng ký, biển số xe”, ông Dương Trung Lâm, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 99-03D nói.
Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-03S cũng cho biết, có thể xảy ra trường hợp làm giả giấy tờ nộp thuế, nguồn gốc đăng kiểm của xe thanh lý, xe tạm nhập tái xuất để sang tên đăng ký, rồi quay lại đăng kiểm lưu hành. Sau đó, dùng giấy tờ thật, biển số thật để “khoác” cho xe mới.
Còn nhớ năm 2017, Cục Đăng kiểm VN phát hiện 32 xe ô tô hạng sang có giá trị 3-7 tỷ đồng nhưng có nguồn gốc hồ sơ từ xe… bình dân. Các xe này từng là xe có biển đăng ký 4 chữ số, sau đó được chuyển thành xe biển 5 chữ số.
“Thủ đoạn của các đối tượng có thể là dùng hồ sơ thanh lý xe và làm giả một số giấy tờ trong quá trình chuyển đổi đăng ký, đăng kiểm xe”, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Cách nào ngăn chặn?
Theo lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, để ngăn chặn hiện tượng xe sang “khoác áo” hồ sơ xe thanh lý, vừa qua, Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm phối hợp với lực lượng chức năng địa phương rà soát toàn bộ các xe ô tô được thanh lý trong vòng 5 năm gần đây.
Khi kiểm định phương tiện tăng cường kiểm tra giấy tờ xe, số khung, số máy và các yếu tố nhận dạng phương tiện để phát hiện vi phạm.
Quan trọng hơn, quy trình bổ sung đối với hồ sơ đăng kiểm xe thanh lý vừa được Bộ GTVT ban hành (tại Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định xe cơ giới, có hiệu lực từ 1/10/2021) khá chặt chẽ, nâng cao vai trò của đơn vị đăng kiểm trong việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm.
“Trường hợp xe thanh lý không có thông tin trong dữ liệu đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm chỉ cấp giấy hẹn trả chứng nhận đăng kiểm để xác minh từ dữ liệu đăng ký hoặc từ cơ quan cấp đăng ký.
Nếu kết quả không phù hợp với thực tế xe, đơn vị đăng kiểm thu hồi tem kiểm định, hủy hồ sơ phương tiện đã lập và đồng thời đưa lên cảnh báo trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm VN”, quy định nêu rõ.
Tương tự, đối với xe được phép tạm nhập, tái xuất, chứng nhận đăng kiểm chỉ cấp tối đa bằng thời hạn của đăng ký xe và được cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.
Khi xe được chuyển nhượng trong nước, đơn vị đăng kiểm lần đầu cũng phải xác minh nguồn gốc từ cơ quan đăng ký xe.
Ủng hộ quy trình trên, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-27D và đại diện một số đơn vị đăng kiểm khác cho biết, việc xác minh nguồn gốc phương tiện từ cơ quan quản lý đăng ký xe tuy mất thêm thủ tục, thời gian song sẽ quản lý chặt cả hồ sơ đăng ký, đăng kiểm xe.
Việc này ngăn chặn hiệu quả các thủ đoạn lợi dụng kẽ hở trong quản lý xe thanh lý, tạm nhập tái xuất để hợp pháp hóa xe có nguồn gốc bất minh.
Cần phối hợp thông tin xe thanh lý, điều chuyển
Lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm phía Bắc cho biết, các đơn vị đăng kiểm còn bị động trong việc nắm bắt thông tin về xe ô tô được thanh lý, điều chuyển, cho tặng… để bổ sung hồ sơ đăng kiểm.
Vì vậy, không ít trường hợp phải đề nghị cơ quan chức năng cung cấp thông tin riêng lẻ để xác minh thông tin.
Ông Trần Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 26-01D cho rằng, các cơ quan chức năng tại địa phương cần chủ động định kỳ cung cấp danh sách các xe đã thanh lý, điều chuyển để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm soát hồ sơ phương tiện, thậm chí cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm đối với xe đã quá thời hạn nhưng không làm thủ tục sang tên, chuyển đổi đăng ký theo quy định.