y-1692342659.jpg
Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ bổ sung thêm quy định mới về quy tắc vượt xe.

Trao đổi với PV về dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến tới ngày 13/9, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn Phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông TT, ATGT đường bộ có nhiều điểm mới tại chương quy định về quy tắc giao thông (Chương II), trong đó có quy tắc “vượt xe”.

Theo luật sư Kiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa nêu rõ định nghĩa “vượt xe” là gì? Trong khi đó, dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ đã nêu rõ “vượt xe” là tình huống giao thông mà xe đi phía sau di chuyển sang làn đường hoặc phần đường bên cạnh để lên trước xe phía trước, sau đó trở lại làn đường hoặc phần đường đã di chuyển ban đầu.

"Với việc nêu rõ định nghĩa vượt xe, các tài xế có thể dễ dàng nhận biết tình huống giao thông và tuân thủ các quy tắc vượt xe được quy định trong luật” – luật sư Kiên nói.

Về các quy tắc “vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt”, Trưởng Văn Phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết: Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ có bổ sung thêm một số quy tắc vượt xe mới. Ví dụ: Khi vượt, chỉ được vượt 1 xe; xe xin vượt khi chuyển làn phải có tín hiệu báo hướng chuyển; Xe xin vượt chỉ được vượt khi xe trước đã bật tín hiệu rẽ phải.

Ngoài các trường hợp không được vượt xe theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ bổ sung thêm 4 trường hợp cấm tài xế không được vượt xe gồm: Nơi có biển báo cấm vượt; Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Khi có người đi bộ qua đường; Ở gầm cầu hoặc đường hầm.

“Một trong những điểm mới, đáng chú ý nhất là quy tắc yêu cầu người điều khiển phương tiện phía trước có trách nhiệm hỗ trợ xe xin vượt.

Cụ thể, dự thảo luật nêu rõ: Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện phía trước phải quan sát phần đường phía trước, nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, bật tín hiệu rẽ phải báo hiệu cho người điều khiển xe phía sau biết là được vượt và đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây cản trở đối với xe xin vượt. Trường hợp có chướng ngại vật hoặc không đủ điều kiện an toàn thì người điều khiển phương tiện phía trước bật tín hiệu rẽ trái báo hiệu cho người điều khiển xe phía sau biết là chưa được vượt”- luật sư Kiên nói.

yy-1692342687.jpg