Điệp khúc chậm tiến độ
Dự án BIIG2 tại Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 3.447 tỷ đồng, bao gồm: Quảng Bình 974,025 tỷ đồng; Quảng Trị 1.094,321 tỷ đồng; Hà Tĩnh 1.378,582 tỷ đồng.
Tại Quảng Bình, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (chủ đầu tư), trong 7 gói thầu xây lắp, Gói thầu QB01.1 Cải thiện và nâng cấp tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới với vùng Nam tỉnh Quảng Bình, chiều dài 11,63 km, trị giá 153,629 tỷ đồng, thời hạn thực hiện 30 tháng do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh thi công, khởi công xây dựng đã gần 1 năm nhưng mới đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng; Gói thầu QB05 Xây dựng tuyến đường từ Lộc Ninh đến Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới trị giá 99,408 tỷ đồng do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Minh Hà - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 thực hiện trong thời gian 30 tháng đang tạm ngừng thi công.
Tại Quảng Trị, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh trúng Gói thầu QT01 Xây dựng đường giao thông liên huyện Gio Linh - Cam Lộ trị giá 154,754 tỷ đồng, thời gian thực hiện 22 tháng. Công trình được khởi công từ tháng 5/2021, đến nay đã trượt tiến độ 15 tháng, giá trị thực hiện đạt 80/154,754 tỷ đồng, bằng 51,69% giá trị hợp đồng. Gói thầu Xây dựng đường giao thông kết nối cảng Cửa Việt với các xã phía Đông huyện Triệu Phong - Hải Lăng và khu vực trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (91,322 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Khánh Minh - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam ký hợp đồng thi công từ tháng 12/2020, đến nay mới đạt 4,71% giá trị hợp đồng. Gói thầu QT05 Xây dựng đường Khe Van (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) đi xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa (36,116 tỷ đồng) do Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Linh thi công, đã được bàn giao 100% mặt bằng nhưng mới đạt 19,38% giá trị hợp đồng; Gói thầu QT02 Xây dựng đường Hùng Vương kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (56,453 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Á Đông HPP - Công ty CP Tập đoàn Đông Đô đảm nhiệm, thời gian thực hiện 24 tháng, dự kiến hoàn thành tháng 9/2023, nhưng đến nay mới đạt 11,4% giá trị hợp đồng.
Tình trạng các gói thầu chậm tiến độ cũng diễn ra tại Hà Tĩnh với Tiểu dự án nước sạch cho một số xã thuộc 2 huyện Can Lộc, Lộc Hà, vốn đầu tư hơn 215 tỷ đồng. Dự án này gồm 2 gói thầu: Gói thầu HT01.1 Xây dựng Trạm bơm tăng áp Thạch Hạ và mạng lưới 1; Gói thầu HT01.2 Xây dựng nhà máy xử lý tại hồ chứa nước Cu Lây và mạng lưới 2. Trong đó, Gói thầu HT01.1 đã hoàn thành đưa vào vận hành tháng 8/2023 (chậm 2 năm so với hợp đồng), Gói thầu HT01.2 chậm tiến độ 28 tháng, hiện vẫn chưa đưa vào sử dụng chính thức. Tương tự, Gói thầu 01.XL Xây dựng đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh (đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Tiên Sơn) dài gần 3km, trị giá 115,232 tỷ đồng do Công ty TNHH Như Nam thi công (thời hạn 30 tháng), khởi công từ tháng 12/2022 nhưng đến nay mới hoàn thành 85% khối lượng, chậm so với kế hoạch.
Gia hạn tiến độ, đốc thúc giải ngân vốn
Trên cơ sở đề nghị gia hạn tiến độ của các địa phương, tháng 2/2024, Trung ương đã cho phép sửa đổi các hiệp định vay vốn. Theo đó, thời gian hoàn thành Dự án được kéo dài đến tháng 9/2025. Đây cũng là mốc kết thúc giải ngân nguồn vốn theo các hiệp định vay. Điều này đồng nghĩa các địa phương phải tăng tốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ nếu không muốn bị cắt vốn, thu hồi vốn.
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đã kiểm tra thực địa, nắm bắt tình hình các gói thầu chậm tiến độ và ghi nhận mặt bằng thi công một số gói thầu vẫn còn vướng mắc. UBND Tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu Tỉnh ban hành quy định mới về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn để làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB).
Tại Hà Tĩnh, loạt văn bản chỉ đạo đốc thúc đẩy nhanh tiến độ đã được ban hành, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư chủ động bố trí kinh phí đối ứng bồi thường, GPMB tại các gói thầu chậm tiến độ. Trường hợp để chậm tiến độ, không hoàn thành Dự án theo yêu cầu, bị thu hồi vốn, các chủ đầu tư được giao vốn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Với tỉnh Quảng Trị, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh, lũy kế giải ngân đến nay đạt 423,278 tỷ đồng, tương ứng 38,68% tổng mức đầu tư thuộc Dự án. Còn khoảng 11 tháng nữa sẽ đóng hiệp định vay, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu các địa phương tích cực hơn nữa trong công tác vận động, tuyên truyền người dân đồng tình, ủng hộ thực hiện Dự án, khẩn trương hoàn thành công tác GPMB. Nếu cần thiết có thể nghiên cứu bám sát hiện trạng, bám cao trình tự nhiên để đề xuất các giải pháp điều chỉnh thiết kế cho phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; các nhà thầu, đơn vị thi công nghiêm túc triển khai các hạng mục công trình, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn nhằm bảo đảm tiến độ như đã cam kết.