Câu chuyện về cô em gái kém may mắn

Kỳ SEA Games 31 là kỳ đại hội rất thành công của Đoàn thể thao Việt Nam, khi giành được 205 tấm Huy chương Vàng và dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Trong đó, môn Cử tạ cũng giành đến 3 tấm Huy chương Vàng. Điều đáng nói là ở tấm Huy chương Vàng môn cử tạ, ở hạng cân 64 kg đã chứng kiến màn thi đấu xuất sắc của Phạm Thị Hồng Thanh, khi cô 3 lần phá kỷ lục ở hạng cân này để bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng mà cô đã giành được ở SEA Games 30. Hồng Thanh là đô cử trưởng thành từ lò đào tạo thể thao thành tích cao của Nghệ An.

1-1653997724.jpg
Phạm Thị Hồng Thanh 3 lần phá kỷ lục SEA Games. Ảnh: NVCC

Để chuẩn bị cho Kỳ đại hội Thể dục Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, vận động viên sinh năm 1999 đã có những ngày tập luyện hết sức khắc nghiệt và không may dính chấn thương ở lưng. Gần 1 tuần lễ trước ngày thi đấu, Thanh đã phải nhờ đến sự chăm sóc của bác sỹ và không thể đến phòng tập.

“Tôi rất lo lắng, trước giải, tôi đã đặt quyết tâm phải có được tấm Huy chương Vàng, bởi đây là kỳ SEA Games được thi đấu trên sân nhà, có sự chứng kiến của đông đảo người hâm mộ. Vì vậy, khi bị chấn thương, tôi đã bị áp lực về tâm lý khá lớn. Có thể nói trạng thái của tôi khi đó như bị strees và trước ngày thi đấu tôi đã bị sút mất gần 2kg. Nhưng rất may là chấn thương đó đã hồi phục được chừng 70% và tôi đã có thể lên sàn” - Thanh kể lại.

Trước giờ thi đấu, ngoài rất đông khán giả đến để cổ vũ thì Phạm Thị Hồng Thanh còn có sự động viên đến từ thầy cô, những người thân. Đặc biệt bà ngoại và em gái của Thanh cũng có mặt trên khán đài. Đây là những người có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống của Thanh.

Thanh chia sẻ: “Bà nội và em gái là nguồn động lực lớn của tôi. Mỗi lúc khó khăn tôi luôn nghĩ về họ, đó là động lực giúp tôi mạnh mẽ hơn để vượt qua mọi rào cản”.

Bước vào thi đấu ở nội dung cử giật, Thanh vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ vận động viên Philippines. Thách thức đặt ra cho Hồng Thanh, ở lần thi cử giật thứ 3, khi vận động viên người Philippines thành công ở mức tạ 103 kg (phá kỷ lục mà Hồng Thanh vừa thiết lập).

“Lúc đó chấn thương cũ ở lưng của tôi bắt đầu tái phát, khiến cho tôi khá đau. Nhưng tôi dặn lòng sẽ phải quyết tâm hơn nữa, không thể chùn bước. Phía sau mình có rất nhiều ánh mắt đang chờ đợi. Trong đầu tôi lúc đó chỉ hiện lên hai chữ quyết tâm và quyết tâm” - Thanh nhớ lại.

Và trong một ngày thi đấu chói sáng, đô cử của Việt Nam đã thành công ở mức tạ 104 kg trong lần cử cuối cùng, trở thành vận động viên có thành tích tốt nhất ở nội dung cử giật hạng cân 64 kg nữ - thiết lập kỷ lục SEA Games mới (cao hơn kỷ lục cũ 6 kg).

Bước sang nội dung cử đẩy, đây là nội dung sở trường của Thanh nên đô cử này đã dễ dàng vượt qua các đối thủ. Cô dễ dàng nâng được mức tạ 126 kg ở lần cử thứ hai - lập kỷ lục SEA Games mới ở nội dung cử đẩy hạng cân 64 kg nữ (cao hơn kỷ lục cũ 2 kg).

Với tổng cử 230 kg, Phạm Thị Hồng Thanh cũng vượt xa kỷ lục SEA Games cũ về tổng cử tới 16 kg (kỷ lục cũ là 214 kg).

Với màn thi đấu xuất sắc, đô cử Phạm Thị Hồng Thanh đã thiết lập 3 kỷ lục SEA Games, giành tấm Huy chương Vàng môn cử tạ ở hạng cân 64kg cho Đoàn thể thao Việt Nam.

2-1653997763.jpg
Phạm Thị Hồng Thanh giành tấm Huy chương Vàng môn cử tạ ở hạng cân 64kg tại SEA Games 31. Ảnh: NVCC

Phạm Thị Hồng Thanh chia sẻ: “Đó là giây phút vỡ oà hạnh phúc, tôi đã từng giành tấm Huy chương Vàng SEA Games 30, nhưng khi bảo vệ được tấm huy chương này trên sân nhà, có sự cổ vũ của khán giả nhà, thì đó là một cảm giác rất khác. Đặc biệt là em gái tôi đã đến để cổ vũ cho chị. Chắc nó sẽ không hiểu là điều gì đang xảy ra, nhưng trong ánh mắt ngại ngùng của nó gợi lên niềm hạnh phúc khi thấy chị vui. Khoảnh khắc đó thật ý nghĩa và nó sẽ theo tôi suốt cuộc đời”.

“Cơn sốt vi rút từ lúc mới chào đời đã khiến cho em của tôi phát triển không được như những đứa trẻ khác. Năm nay đã 18 tuổi, nhưng mọi sinh hoạt của em đều phải có sự giúp đỡ của bà ngoại. Mỗi khi nghĩ về em gái, tôi như được tiếp thêm ý chí, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn. Tôi sẽ tập luyện, thi đấu thật tốt và sẽ là chỗ dựa vững chắc cho em gái tôi trong tương lai” - cô gái Vàng SEA Games tâm sự với đôi mắt ướt nhoè.

Tự ti khi diện váy

Vận động viên sinh năm 1999 - Phạm Thị Hồng Thanh đến với bộ môn cử tạ cũng thật tình cờ. Học hết lớp 8, cô gái sinh ra ở Hải Dương vào TP Vinh để học bơi. Khi đến với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An, trong một lần xuống nước, huấn luyện viên Vũ Đức Hoàng của Trung tâm đã ngạc nhiên khi thấy ngoại hình của Thanh. “Tôi thấy bất ngờ khi một cô gái chưa bao giờ tập thể thao nhưng lại có cơ bắp phát triển rất tốt. Lúc đó, tôi khẳng định rằng em ấy sinh ra là để chơi cử tạ” - huấn luyện viên Vũ Đức Hoàng cho biết.

Thanh nhanh chóng được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An tuyển chọn. Những ngày đầu tập luyện, cô gái sinh năm 1999 đã có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc, bởi tập môn cử tạ đòi hỏi mất rất nhiều sức, phải duy trì tập luyện thường xuyên nếu không sẽ không thể nâng cao được thành tích.

Sau quãng thời gian gần 1 năm tập luyện thì Thanh đã bắt đầu gặt hái được trái ngọt. Cô gái đến từ Hải Dương giành được tấm Huy chương Vàng ở giải trẻ toàn quốc đầu tiên vào năm 2014. Những thành tích đạt được càng tăng thêm động lực giúp Thanh gắn bó với bộ môn này và càng ngày càng đam mê hơn.

Tuy nhiên, khi đến độ tuổi trở thành thiếu nữ thì thân hình của Thanh trở nên to lớn, cồng kềnh, không giống với những bạn gái mảnh mai cùng tuổi.

Thanh nhớ lại: “Lúc đó thấy các bạn gái diện váy trông xinh xẻo, mảnh mai, tôi cũng thích lắm, cũng thử mặc vào nhưng với thân hình của mình thì không phù hợp. Tôi đã rất tự ti, có lúc không còn muốn theo đuổi bộ môn này nữa, chỉ muốn được như những cô gái bình thường, được diện váy đi chơi, đi sinh nhật. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thầy Vũ Đức Hoàng đã tâm sự, động viên, phân tích cho tôi về vẻ đẹp, về lý tưởng sống. Chính điều đó giúp tôi có những suy nghĩ chín chắn hơn cho mục tiêu trong cuộc đời”.

3-1653997810.jpg
Phạm Thị Hồng Thanh với khuôn mặt xinh xắn, đầy vẻ nữ tính ngoài đời thường. Ảnh: NVCC

Trong khoảng thời gian thi đấu ở các giải đấu trong nước, Phạm Thị Hồng Thanh luôn là "mỏ vàng" của thể thao Nghệ An. Giờ đây, Thanh đang tiếp tục phấn đấu cho những mục tiêu phía trước, đặc biệt là Giải Asiad 2022 dự định sẽ được tổ chức vào năm sau. Với niềm khát khao và ý chí kiên định không bao giờ cho phép bản thân được ngủ quên trên chiến thắng, hứa hẹn Thanh sẽ còn chinh phục được những đỉnh cao hơn nữa trong tương lai.