Món quà giữa mùa dịch
Ngày 6/11/2021, dịch COVID-19 bùng phát tại TX Kỳ Anh, Trường THPT Kỳ Anh là nơi phát hiện 4 ca nhiễm đầu tiên và đều là giáo viên nhà trường.
Thầy giáo Phạm Hồng Phong - Phó hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh cho biết: “Trong điều kiện nhiều giáo viên, học sinh thực hiện cách ly y tế, việc học phải chuyển sang hình thức online. Chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ban giám hiệu nhà trường đã đứng ra kêu gọi cán bộ, giáo viên đóng góp 7 điện thoại, 21 sim kết nối mạng với tổng trị giá gần 36 triệu đồng tặng cho 28 em. Những món quà đó đã được nhà trường nhờ đoàn thể địa phương kịp thời trao tận tay các em trong những ngày ở nhà cách ly”.
Gia đình chị Phan Thị Hạnh (SN 1968, trú tại thôn Tân Thắng, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) thuộc diện hộ cận nghèo, chồng mất cách đây 7 năm. 2 năm nay, căn bệnh hở van tim 3 lá khiến chị không thể lao động, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.
Dịch bệnh khiến hai cô con gái Nguyễn Thị Trà My (lớp 12A14 - Trường THPT Kỳ Anh) và Nguyễn Thị Phương Dung (lớp 11A14 - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Kỳ Anh) phải chuyển sang học trực tuyến. Không có thiết bị nên mỗi lần tới giờ học trực tuyến, 2 em phải đạp xe mấy cây số để đến nhà bạn học ghép.
“Bữa ăn hằng ngày cho ba mẹ con còn chật vật mới lo nổi, tôi lấy đâu ra tiền mua điện thoại, máy tính cho các con học. Thương con nhưng tôi cũng đành chịu. Thật may mắn khi vừa qua, các thầy cô giáo đã gửi tặng 2 con 1 chiếc điện thoại. Từ ngày có điện thoại, Trà My, Phương Dung có thể yên tâm học bài, không phải đạp xe quãng đường dài để duy trì việc học như trước đây nữa" - chị Hạnh chia sẻ.
Cũng vừa nhận được món quà của thầy cô giáo Trường THPT Kỳ Anh gửi tặng, em Trần Việt Thắng - học sinh lớp 12A3, ở tổ dân phố (TDP) Tây Trinh, phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) không giấu được niềm xúc động.
Thắng là con út trong gia đình có hai anh em. Bố Thắng bị tai nạn giao thông nằm một chỗ suốt 12 năm qua, mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai của mẹ. Công việc bấp bênh, nên một mình mẹ chật vật lắm mới nuôi nổi cả gia đình. Dịch COVID-19 xảy ra, công việc của mẹ Thắng bị ảnh hưởng không nhỏ khiến kinh tế gia đình càng thêm khó khăn.
Vừa phụ mẹ chăm sóc bố vừa phải linh hoạt việc học ghép trực tuyến ở nhà bạn, Việt Thắng vẫn cố gắng để không bỏ sót kiến thức năm cuối cấp. Giữa lúc khó khăn đó, Thắng nhận được món quà là chiếc điện thoại từ nhà trường.
Thắng tâm sự: “Em quá vui mừng và bất ngờ khi nhận món quà từ nhà trường. Từ nay, em có thể yên tâm ở nhà, vừa học cùng các bạn qua phần mềm Zoom, vừa có thể chăm sóc bố. Sự giúp đỡ này là động lực giúp em vượt qua thời điểm khó khăn, thực hiện ước mơ trở thành sinh viên của một trường quân sự”.
Cũng như Trà My, Việt Thắng, những ngày học tập nơi xóm trọ của cậu học trò Nguyễn Tiến Nam quê ở thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) - học sinh lớp 10A2 - Trường THPT Kỳ Anh cũng đã khác trước khi Nam không còn phải học chung máy điện thoại với chị gái.
Bố Nam vừa mất cách đây không lâu vì bệnh hiểm nghèo, cả nhà trông vào vài ba sào ruộng. Dù đã chắt bóp chi tiêu nhưng mẹ em cũng không đủ tiền gửi cho 2 chị em trọ học và mua sắm thiết bị học trực tuyến.
Nam chia sẻ: “Hai chị em cố gắng học chung một máy nhưng nhiều lúc trùng giờ học nên khá bất tiện. Nếu chị học thì em phải mượn vở của bạn để chép và ngược lại. May mắn nhận được điện thoại, em thực sự rất vui và biết ơn thầy cô rất nhiều”.
Được biết, ngoài đợt trao tặng lần này, trước đó, Trường THPT Kỳ Anh đã kêu gọi theo đơn vị lớp, Đoàn trường, kết nối với Hội Chữ thập đỏ thị xã Kỳ Anh hỗ trợ thiết bị học tập cho 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá 23 triệu đồng; Ngân hàng BIDV trao tặng cho 10 học sinh 5 triệu đồng để mua thiết bị học tập.
“Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”
Với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, các giáo viên của Trường THPT Kỳ Anh đã nỗ lực khắc phục khó khăn và có những tiết dạy đáng nhớ từ khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà.
Cô Nguyễn Thị Tú Anh - Phó hiệu Trưởng Trường THPT Kỳ Anh cho biết: “Sau khi phát hiện các ca nhiễm là giáo viên của nhà trường vào ngày 6/11, 14 thầy cô giáo đã được thực hiện cách ly tập trung tại trường; 24 giáo viên và hơn 300 học sinh trong diện F1 phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Hiện nay, việc dạy học cho 1.874 học sinh vẫn được chúng tôi duy trì với hình thức online”.
Mang trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, chúng tôi được mục sở thị những giờ dạy học “đặc biệt” bên trong khu cách ly tập trung ở Trường THPT Kỳ Anh.
“Lớp mình thế nào rồi? Diệu Linh cho thầy và các bạn biết tình hình hiện tại ở “đầu cầu” bên đó ra sao?” - thầy Trần Đức Thịnh “khởi động” tiết học môn Địa lý của lớp 12A9 bằng lời hỏi thăm đến các học sinh trong lớp.
Là F1 của đồng nghiệp, thầy Thịnh được cách ly tập trung tại Trường THPT Kỳ Anh từ đêm 6/11. Ngay khi vừa ổn định chỗ ở và tâm lý, thầy đã lập tức chuẩn bị cho tiết dạy trực tuyến đầu tiên.
Thầy Thịnh chia sẻ: "Khi nghe tin thầy cô phải đi cách ly, học trò không tránh khỏi những lo lắng, xáo trộn về tâm lý, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Do đó, chúng tôi phải tranh thủ thời gian dạy học online vừa để cung cấp kiến thức, vừa động viên, trấn an tinh thần các em trong thời điểm khó khăn này”.
Phòng cách ly trở thành “bục giảng” - có lẽ sẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo của thầy Nguyễn Văn Nguyệt - giáo viên bộ môn Tiếng Anh Trường THPT Kỳ Anh.
“Tôi xác định dù phải đi cách ly tập trung nhưng nhiệm vụ dạy học vẫn phải hoàn thành. Vì vậy, hành trang mang theo ngoài đồ dùng cá nhân thì không thể thiếu máy tính, thiết bị kết nối mạng, giáo án”, thầy Nguyệt bộc bạch.
Chính nhờ sự nhiệt huyết và trách nhiệm đó của nhiều thầy, cô giáo mà học sinh của nhà trường vẫn bảo đảm chương trình và kiến thức dạy học. Hiện nay, số lượng học sinh của Trường THPT Kỳ Anh thuộc diện cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà rất lớn, trong đó, có rất nhiều học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình và thầy cô, các em vẫn bảo đảm việc học trực tuyến.
Bằng tình thương, trách nhiệm với học trò, dù trong thời điểm khó khăn, các thầy cô giáo Trường THPT Kỳ Anh đã không để việc học của các em bị gián đoạn. Nỗ lực đó sẽ là nguồn động viên, tiếp thêm động lực để thầy trò cùng nhau chiến thắng đại dịch, sớm trở lại nhịp sống thường nhật./.