Nhiều xã, thôn tại tỉnh Quảng Bình đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “thôn giữ thôn”, “xã giữ xã”, “huyện giữ huyện”.
Để giúp người dân trong vùng phong tỏa có đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài, chính quyền và Đoàn Thanh niên xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thành lập đội “shipper xanh” đi chợ giúp dân. Nhiệm vụ của đội “shipper xanh” là kết nối, tiếp nhận thông tin từ người dân, đi chợ mua lương thực, thực phẩm rồi giao hàng hóa tận nhà cho bà con.
Anh Phan Minh Hữu, đoàn viên xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, mô hình này được thực hiện khá bài bản, việc “đi chợ giúp dân” có khung giờ giao hàng ổn định để bà con chủ động sử dụng trong ngày.
“Lúc giao hàng cho bà con, chúng tôi sẽ treo ở trước cửa, giữ khoảng cách và gọi bà con ra lấy hàng. Khi thấy bà con đã nhận được hàng, chúng tôi sẽ rời đi. Là đoàn viên, thanh niên, tôi muốn đóng góp một chút sức trẻ của mình giúp đỡ bà con nhân dân, mong bà con không ra khỏi nhà để vượt qua được đại dịch lần này”, anh Hữu nói.
Mô hình “đi chợ” giúp dân không chỉ giúp người dân trong vùng thực hiện giãn cách xã hội vẫn có đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu mà còn giúp người dân giải quyết đầu ra cho các loại nông sản, đảm bảo “cung-cầu” một cách hợp lý.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, lương thực trong nhà cũng cạn dần, đặc biệt là các loại rau, thịt không bảo quản được lâu, các bạn trẻ ở địa phương đã hỗ trợ mua và đưa đến tận nhà.
“Gia đình có con nhỏ nên nhu cầu ăn uống các thứ cũng phức tạp hơn. Có anh em ở đội tình nguyện họ giúp đỡ, cần các nhu yếu phẩm thì họ ship đến tận nhà cho mình. Trong thời gian dịch thế này mà anh em tình nguyện đã rất cố gắng, tôi rất cảm ơn và thấy rất hài lòng”, chị Dung bày tỏ.
Đội “shipper xanh” của xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch gồm 15 thành viên. Anh Hoàng Thái Sơn, Bí thư Đoàn xã Vạn Trạch cho biết, các đoàn viên nhận đơn hàng chủ yếu là lương thực, thực phẩm sử dụng trong thời gian cách ly xã hội. Các tình nguyện viên còn kết nối giúp bà con tiêu thụ nông sản đến thời kỳ thu hoạch xuất bán.
Tổ điều hành phân công trực 24/24 giờ có nhiệm vụ kết nối các cửa hàng, nơi cung ứng các mặt hàng thiết yếu, niêm yết giá, chia sẻ lên địa chỉ mạng xã hội facebook; đồng thời, xử lý thông tin cho người cần mua sau khi hai bên đã tự thỏa thuận và lập đơn hàng chuyển tổ shipper vận chuyển. Theo anh Hoàng Thái Sơn, việc làm này vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân trong khu phong tỏa, vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.
“Giúp đỡ bà con trong khu phong tỏa về nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho đời sống hàng ngày. Đoàn xã đã thành lập nhóm shipper thu gom hàng của bà con ở các đơn vị, các thôn không bị phong tỏa để phục vụ cho các thôn bị phong tỏa trên địa bàn”, anh Hoàng cho hay.
Tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều đội “shipper xanh” ở các xã, thị trấn nhằm giúp đỡ người dân. Các bạn trẻ tình nguyện cùng lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu; hỗ trợ thiết lập các khu cách ly, nhập dữ liệu khai báo y tế, tham gia trực chốt kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, công tác hậu cần như tiếp nhận, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các hộ dân trong khu vực phong tỏa và các nhiệm vụ phòng chống dịch được các bạn đoàn viên thanh niên thực hiện hiệu quả.
“Chúng tôi thực hiện các hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa nhằm nâng cao tinh thần xung kích, sáng tạo của đoàn viên thanh niên. Đồng thời chúng tôi cũng phát huy vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên trong việc giúp đỡ, hỗ trợ cho công dân và các lực lượng chức năng ở khu vực cách ly, khu vực đang bị phong tỏa trên địa bàn tỉnh để giúp cho những khu vực đó sớm ổn định”, anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình cho biết./.