Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, định hướng, chiến lược phát triển của lĩnh vực KHCN khá thuận lợi với đầy đủ các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, hệ thống hành lang pháp lý, các chiến lược, quy hoạch.
Lĩnh vực KHCN luôn đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, thể hiện qua các kết quả cụ thể, cũng như đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Đơn cử như đóng góp của chỉ số Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào năng suất lao động chiếm 45%; Việt Nam có tốc độ đổi mới KHCN nhanh, trong đó một số ngành có đột phá.
Cụ thể, để tăng đầu tư cho KHCN (hiện mới đạt 0,6% GDP trong khi Mỹ là 2,83%, Trung Quốc 1,96%, Singapore 2,6%, Malaysia 1,25%), Phó Thủ tướng cho rằng cần đổi mới pháp luật về đầu tư để gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi từ sản xuất dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào tri thức, KHCN. Tương tự, chúng ta phải coi KHCN, kinh tế tri thức là loại hàng hóa đặc biệt nên cần cơ chế đấu thầu, đấu giá, đặt hàng, lựa chọn… có tính đặc thù.
Phó Thủ tướng đồng tình với nhiều đại biểu về những bất cập, hạn chế trong hoạt động của quỹ phát triển KHCN cũng như tình trạng chưa phù hợp giữa năng lực nghiên cứu, phát triển KHCN và thị trường, chưa đáp ứng giữa cung và cầu. Trong đó, nhu cầu đổi mới KHCN của các doanh nghiệp còn thấp do thiếu áp lực cạnh tranh buộc phải đổi mới sáng tạo. Nguồn cung cho thị trường KHCN còn có nhiều chính sách hạn chế như bất cập về cơ chế hoạt động của quỹ phát triển KHCN, cũng như thực hiện mục tiêu dành 2% chi ngân sách cho KHCN.
"Vì vậy, chúng ta phải đổi mới cách thức quản lý quỹ phát triển KHCN theo hướng bền vững (huy động nguồn vốn của Nhà nước, xã hội) thay vì cấp vốn theo cơ chế tài chính sự nghiệp", Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến phát triển thị trường KHCN, Phó Thủ tướng cho rằng cần có chính sách phù hợp và đặc thù để bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao KHCN, bản quyền tác giả… Đây là cơ sở để tạo nguồn lực bền vững cho hoạt động nghiên cứu KHCN.
Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy quản lý KHCN, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết cần xây dựng mô hình tổ chức tập trung quản lý Nhà nước thật tốt, trong đó đề xuất cơ chế chính sách liên ngành hoặc đặc thù, cụ thể; ứng dụng các thành tựu KHCN trong quản lý như dữ liệu; xây dựng tiêu chí đánh giá sản phẩm KHCN để thay đổi cơ chế đặt hàng.
Bên cạnh đó là phân định rõ cơ chế đầu tư, nghiên cứu khoa học cơ bản với hoạt động nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ. Trong đó, Nhà nước xác định mũi nhọn nghiên cứu cơ bản, chấp nhận rủi ro, để đầu tư hạ tầng, nhân lực, cơ chế chính sách, nguồn lực. Còn doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ với các cơ chế khuyến khích hoặc hỗ trợ của các quỹ phát triển KHCN; đẩy nhanh tốc độ chuyển các đơn vị sự nghiệp KHCN theo hướng ứng dụng, triển khai sang mô hình doanh nghiệp KHCN để tiếp nhận các "đơn đặt hàng" từ nhu cầu thực tiễn, xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ phải có sự thống nhất để thu hút lực lượng, nhân tài, phát huy các trường đại học, cơ quan nghiên cứu phục vụ nghiên cứu cơ bản, cũng như tham gia kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, trường đại học với sản xuất.
"Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết các chính sách lớn về KHCN. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được nghiên cứu sâu sắc để tiếp thu, hoàn thiện những chủ trương, tư duy mới trong lĩnh vực KHCN, cũng như để triển khai thực hiện tốt hơn", Phó Thủ tướng nói./.
Theo PV - tamnhin.trithuccuocsong.vn