Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, đồng bào dân tộc Khơ Mú ở miền Tây xứ Nghệ lại tổ chức ăn Tết cổ truyền (Tết Gơ rơ) theo phong tục của mình với nhiều nét riêng biệt và vô cùng độc đáo.
Bắt đầu vào những ngày cuối tháng 11 (Âm lịch) hàng năm, khắp các bản làng người Khơ Mú, nhà nhà đều lo sắm sửa bình rượu cần để chuẩn bị vui Xuân, đón Tết. Cộng đồng này gọi là Tết Gơ rơ, một cái Tết cổ truyền của người Khơ Mú.
Theo quan niệm của các già làng, rượu cần là thứ quan trọng để thể hiện năm vừa qua gia chủ có làm ăn phát đạt hay không. Do vậy, dù khó khăn đến đâu, đến ngày Tết, trong nhà người Khơ Mú cũng có từ 5-7 bình rượu cần. Mỗi gia đình người Khơ Mú ăn Tết Gơ rơ đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà (1 con gà trống, 1 con gà mái), một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết Gơ rơ.
Bôi huyết gà vào đầu gối của các thành viên trong gia đình.
Chúng tôi về nhà ông Xeo Hòa Tiến, trú ở bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) vào một ngày cuối năm khi gia đình ông đang chuẩn bị làm lễ Gơ rơ.
Ông bảo rằng, cứ thời gian cuối tháng, nhà nào muốn tổ chức thì tổ chức và ngày Tết cũng chỉ kéo dài trong 1 buổi hoặc 1 ngày tùy vào số rượu cần mà gia chủ chuẩn bị được. Tổ chức xong lễ Gơ rơ coi như hết Tết. Đơn giản vậy thôi nhưng đối với người Khơ Mú thì đó là 1 ngày lễ quan trọng để con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng.
Những món ăn cho ngày vui được chuẩn bị rất đơn giản nhưng cũng không kém phần cầu kỳ. Ngay từ chiều hôm trước, ông Xeo Hòa Tiến đã lấy về hơn yến cá tươi để làm moọc là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết. Ngoài ra, còn phải có bí đỏ và sắn được hông lên. Theo gia chủ, mâm cơm nhất thiết phải có 2 thứ này đề cầu mong sự may mắn trong cả một năm. Những gia đình nào khá giả có thể chuẩn bị thêm cá nướng.
Đến khoảng hơn 8h sáng, phụ nữ trong nhà mang rượu cần và gà sống lên căn bếp thiêng – nơi trú ngụ của tổ tiên người Khơ Mú để bắt đầu buổi lễ.
Ông Tiến rót những lớp rượu cần đầu tiên để dâng lên tổ tiên mình. Theo ông, điều này để thể hiện sự kính trọng đối với các bậc sinh thành và thần linh núi rừng đã ban cho người Khơ Mú mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi dâng rượu, ông Tiến tiếp tục cắt tiết gà và gọi con cháu lại bôi huyết gà lên đầu gối mọi người. Cứ như thế hết lượt, con cháu lại xúm lại bôi cho bố mẹ. Vừa bôi, họ vừa chúc nhau một năm mới sức khỏe và may mắn.
Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú, việc cắt mỏ gà trong Tết Gơ rơ rồi lấy máu bôi vào đầu gối, chân của tất cả thành viên trong gia đình là để xua đuổi tà khí, xóa tan bệnh tật. Sau khi mọi thủ tục ban đầu đã xong xuôi, mọi người mới đem gà đi làm thịt để chuẩn bị cho phần lễ tiếp theo. Lúc này, những già làng được ông mời đến ngồi xúm lại quanh chum rượu cần vừa uống, vừa chúc gia chủ một năm mới tốt lành.
Những sừng rượu cần được mời hết khắp lượt bằng những lời tơm bay bổng của người giữ nhịp tiếp rượu, cuộc vui cứ thế kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.
Phía dưới bếp, mọi người cũng đã chuẩn bị xong mâm cỗ cúng. Mâm cơm gồm bí, sắn hấp, moọc, chân, đầu và nội tạng gà. Sau đó, ông Tiến lấy mỗi thứ 1 ít bỏ vào lòng bàn tay và đưa lên trán cho con cháu, hết lượt con cháu lại làm cho bố mẹ để tỏ lòng thành kính, biết ơn.
Ông Moong Văn Dũng (một già làng trong bản) giải thích với chúng tôi rằng: “Người Khơ Mú làm vậy để bảo ban con cháu phải biết quý trọng những thực phẩm do mình bỏ công sức làm ra, không bao giờ được phí phạm”.
Xong xuôi mọi việc, gia chủ gắp mỗi món một ít ăn trước chiếu lệ rồi mới mời mọi người cùng vào thưởng thức. Cuộc vui kéo dài đến bao lâu tùy thuộc vào lượng rượu nhiều hay ít.
Mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết cổ truyền của người Khơ Mú.
Tết Gơ rơ của đồng bào Khơ Mú kéo dài trong vòng 1 ngày 1 đêm. Sau lễ cúng trên coi như năm mới đã bắt đầu với từng nhà. Cũng giống như quan niệm của người Kinh, trong ngày đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú vì người ấy sẽ mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia đình trong suốt cả năm.
Những tiếng nói cười, tiếng chúc nhau năm mới rộn ràng khắp bản làng. Men rượu cần càng uống càng ngọt trên đầu môi càng say đắm lòng người. Một năm mới đã bắt đầu với đồng bào dân tộc Khơ Mú./.