Tưng bừng lễ hội Xuân
Vào mỗi dịp Tết cổ truyền, người Mông ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) lại háo hức đón chờ lễ hội chọi bò. Lễ hội được tổ chức ở nhiều địa bàn của huyện Kỳ Sơn, nhưng chủ yếu tập trung ở 3 xã: Mường Lống, Nậm Cắn và Huồi Tụ. Người dân ở đây chăm chút cho “đấu sĩ bò” không kém người miền xuôi lo cho các “ông trâu” trong lễ hội chọi trâu.
Trận đấu bò diễn ra quyết liệt, đầy kịch tính, máu lửa, nhưng lại có kết thúc nhân văn: không có “đấu sĩ” nào bị xẻ thịt đem bán như các “ông trâu” ở miền xuôi. Vì vậy, có những chú bò vô địch nhiều năm, được trả giá lên tới xấp xỉ hàng chục nghìn USD. Hội chọi bò diễn ra trên vùng đất rộng, đồng bào kéo ra xem, hồi hộp theo dõi và reo hò.
Có nhiều lễ hội được tổ chức ở miền Tây Nghệ An vào mỗi dịp Xuân về, diễn ra trong tháng Giêng âm lịch: Lễ hội Pẩn pang - Nang ny, diễn ra tại Hang Pẩn Pang - Nang Ny, bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp; Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương; Lễ hội Hang Bua, bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; Lễ hội Pu Nhạ Thầu, bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn…
Sau các nghi lễ trang trọng tưởng nhớ thần linh, các bậc anh hùng, tiền nhân đã có công khai bản lập mường, bảo vệ bờ cõi, là phần hội tưng bừng với các trò chơi dân gian: ném còn, khắc luống, nhảy sạp, múa lăm, uống rượu cần..., các môn thể thao: thi đi cà kheo, đấu bóng chuyền, bóng bàn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy...Rồi biểu diễn nghệ thuật quần chúng, thi nét đẹp trang phục các dân tộc vùng cao, thi nấu ăn, bày bán các đặc sản miền núi, sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Nhìn vào trang phục dự lễ hội, sẽ nhận ra chàng trai, cô gái đó thuộc dân tộc nào. Lễ hội, là dịp nuôi dưỡng, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng như thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.
Xuân yêu thương
Mùa Xuân, khí trời đổi thay, lòng người cũng rạo rực hơn. Khát vọng muôn đời về tình yêu, hạnh phúc, về sự trường tồn của dân tộc, giống nòi bùng lên mạnh mẽ vào mỗi dịp Xuân về. Lễ hội, cũng là mùa yêu đương, dịp trai gái gặp gỡ, hẹn hò, kết giao tình cảm. Nhiều người đã nên duyên chồng vợ từ những cuộc gặp gỡ trong lễ hội xuân. Lễ hội, là dịp để chàng trai trổ tài, cô gái khoe sắc đẹp và sự khéo léo về nữ công gia chánh, để họ đến với nhau, như những cặp trai tài, gái sắc.
Và như một tất yếu, có nhiều đám cưới được tổ chức vào mùa Xuân, với những phong tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, chứa đựng những triết lý nhân văn sâu sắc.
Miền núi, cái nghèo đói triền miên quấn riết lấy mọi người như một định mệnh. Trai gái nơi đây tỏa đi nhiều xứ mưu sinh. Tết là dịp để các thành viên trong gia đình hội tụ. Không chỉ là mùa của yêu đương, Tết cổ truyền đối với người dân miền Tây xứ Nghệ còn là tết đoàn viên, sum vầy.
Vào mỗi dịp Xuân về, lòng anh Xeo Văn Phing (bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn) lại khấp khởi hi vọng vợ và con gái sẽ trở về. Mấy năm trước, vợ anh đã sang Trung Quốc, sau về đem theo cả con gái đi, để lại Xeo Văn Phing một mình vò võ. Hi vọng về viễn cảnh đoàn viên, về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn, là nguồn sức mạnh tinh thần quý giá đối với tất cả mọi người.
Một nét độc đáo nữa trong mùa Xuân ở miền Tây xứ Nghệ, là mùa của đặc sản. Thiên nhiên bao la, hào phóng và sự cần cù, khéo léo của người dân nơi đây, đã tạo ra rất nhiều đặc sản hấp dẫn, có giá trị độc đáo, và được bày bán nhiều vào mỗi dịp Xuân về: đào rừng, đào đá, miến dong, mật ong rừng, thịt bò giàng Kỳ Sơn, măng đắng, hương trầm Quỳ Châu, thổ cẩm, nếp nương, rượu cần…
Dường như có gì quý giá nhất, đẹp nhất, người dân nơi đây đều dành tặng cho khách phương xa với tấm lòng hào phóng, còn mình thì nhận về phần nghèo, khó khăn, năm này qua năm khác. Cái nghèo, dường như cũng là “đặc sản” của nhiều vùng quê, gia đình ở miền Tây Nghệ An.
Còn đó, những cung đường cheo leo, nguy hiểm, lầy lội, những căn nhà quá đỗi đơn sơ, những em bé đến trường áo chưa đủ ấm, những thân phận nhọc nhằn đè nặng lên đôi vai gầy…Những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, cũng có xu hướng bị phai nhạt, hòa lẫn trong cuộc sống hiện đại.
Đó là cung trầm trong sắc xuân miền Tây, làm chúng ta băn khoăn, trăn trở, cần phải chia sẻ nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, cho người dân nơi đây ngày một no ấm, hạnh phúc, và để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa vô giá của đồng bào các dân tộc.