Bánh rau cạo là một trong những món ăn được yêu thích của người dân miền biển Quỳnh Lưu Nghệ An. Những ai đã từng được thưởng thức món ăn này hẳn sẽ rất khó quên bởi hương vị rất đặc trưng của nó.
Rau cạo mọc trên tảng đá, ghềnh đá dọc bãi biển vào thời điểm cuối xuân đầu hạ.
Người xứ Nghệ có ra bắc vô nam, có lên ngược về xuôi vẫn đau đáu nhớ mãi cái món bánh màu xanh, mỏng manh và thanh tao ấy: bánh rau cạo.
Rau mọc trên tảng đá, ghềnh đá dọc bãi biển, người dân phải dùng đến cái lưỡi hái tự chế để cạo rồi đem về làm bánh. Cái bánh nhỏ xinh, chừng như cái miệng chén trà, thế mà nhọc công các chị, các mẹ lắm.
Loài rau này chỉ sống ở những nơi ẩm ướt có nước triều lên, xuống. Rau cạo tươi có màu cà phê đặc trưng.
Đợi khi nước ròng những người phụ nữ biển lại bắt đầu dầm mình trong dòng nước mặn mòi. Một tay họ cầm cái lưỡi hái áp vào bề mặt đá mà cạo, một tay hứng nắm lấy rau. Cạo rau cạo phải là những ai “gan lì” với sóng và phải thật chịu khó. Bởi loài rau này chỉ mọc ở những nơi ẩm ướt như rêu.
Rau cạo được hơn nửa là đất, đá, sạn, miểng hàu… Nên chiếc bánh rau cạo được làm ra là cả một sự kỳ công của các bà mẹ và em gái. Rau cạo phải rửa sơ ngoài biển, đem về nhà phơi nắng. Lúc này rau đã dịu nên dai, mới lấy cái búa dã cho sỏi, đá lẫn trong rau vỡ vụn. Rồi sàng, rồi sảy ba, bốn lượt như thế mới sạch hết sạn. Rau ấy lại cho vào cái rá mà đãi, vò, chà. Mẻ rau sạch đất đá, rong, sạn trả lại cho nước nguyên màu vốn có cũng mất cả chục lượt thay nước.
Đợi cho rau ráo nước, mới nêm chút bột ngọt, bột canh. Khi nước trong nồi vừa sôi thì trút rau cạo vào hông. Lửa vẫn giữ đều, rau chuyển màu từ nâu cà phê sang xanh thì bắt đầu lấy ra đóng bánh. Lần lượt lấy rau ở bên dưới ra trước, rồi gạt cho lớp phía trên xuống dưới. Vừa đóng bánh vừa canh lửa liu riu để rau nhận đủ nhiệt, chín đều.
Khuôn làm bánh rau cạo chỉ là một đoạn ống nước bằng nhựa cắt ngang, đường kính 2 cm, dày cỡ 2 mm. Lấy khuôn đặt lên một chiếc lá (thường dùng lá bưởi) vừa đè nhẹ, vừa rê miết cho rau đầy khít khuôn. Sau đó một tay họ nhấc chiếc lá, một tay bóc khuôn ra khỏi lá, ngón tay cái bóc khuôn ấn nhẹ tách miếng bánh ra khỏi khuôn. Cứ như thế đóng cho hết rau trong nồi.
Điều đặc biệt ở loại bánh này là phải lên khuôn khi nguyên liệu hãy còn nóng (có thế bánh đóng xong mới kết dính lại thành mảng, không bị vỡ nát), nhưng phải để thật nguội bánh ăn mới ngon. Nếu được hông từ rau mới cạo (không phơi nắng) bánh sẽ càng tươi ngon hơn nữa, nhưng như thế khâu làm sạch sẽ phải rất tỉ mẩn.
Có người thích ăn bánh trộn hành phi vàng ruộm, có người thích chấm tương hoặc muối súp, nhưng đúng điệu nhất là phải ăn bánh cùng cá kho. Cắn miếng bánh, từ từ nhai, thưởng cái mùi vị đặc trưng khó quên của loài rong biển quý, sẽ thấy dòn dòn, rào rạo, sừn sựt, man mát trên đầu lưỡi.
Ngày xưa bánh được làm chỉ để ăn chơi lúc rảnh rỗi, bây giờ thì bánh đã có mặt trong cả những đám cưới, đám giỗ, những nhà hàng, khách sạn… Bánh còn được các chị, các mẹ cất công làm ra để làm quà cho những đứa con xa.