Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mặc dù cả năng doanh thu lỗ nặng nhưng Tết cũng phải lo thưởng cho nhân viên phần để giữ lao động và bù đắp phần nào những những thiệt thòi, khó khăn trước ảnh hưởng của cơn đại dịch COVID-19 năm qua.
“Xoay” ngân hàng cho công nhân có Tết
Tết cận kề, ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Công Ty Cổ Phần Vận Tải Thọ Lam (xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) - đơn vị sở hữu hãng xe Thọ Lam (chuyên chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội; Hà Tĩnh – Sài Gòn) như ngồi trên “đống lửa” khi phải lo tiền lãi vay ngân hàng vừa phải lo tiền Tết cho hàng trăm nhân viên có lương về ăn Tết.
Ông Thọ không khỏi ngậm ngùi cho biết: Do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, công ty đã phải cắt giảm nhân công, cắt giảm hơn 80% số phương tiện chạy tuyến cố định để tiết giảm chi phí vậy mà thu vẫn không đủ bù chi. Hàng tháng, doanh nghiệp đau đầu tìm cách trả khoản nợ và lãi suất cho ngân hàng nhưng khi những ngày này Tết cận kề, doanh nghiệp cũng phải lo một khoản tiền lớn để nhân viên có tiền sắm Tết.
“Tết đến, mong sao ngân hàng cho vay được tiền về để trả lương cho nhân công để họ có khoản tiền mua sắm Tết chứ kinh doanh thua lỗ kéo dài năm này qua năm khác như vậy doanh nghiệp biết lấy gì thưởng Tết”, ông Thọ ngậm ngùi nói.
Ông Thọ cho biết, doanh nghiệp có hàng chục xe khách nhưng từ đầu tháng cuối tháng 4.2021 đến nay phải dừng hoạt động gần như toàn bộ vì không có khách, chỉ có 2, 3 xe chạy để duy trì tuyến. Mỗi chuyến thu được vài triệu đồng, trong khi chi phí vận hành tốn cả chục triệu đồng.
"Cứ chạy là lỗ mà không chạy thì mất khách. Mỗi tháng chúng tôi phải bù lỗ hàng tỉ đồng để duy trì tuyến, thuê trụ sở, trả nợ ngân hàng và thực hiện chế độ chính sách cho người lao động. Cuối năm doanh nghiệp cũng chỉ có gói bánh… gọi là, vậy thôi”, ông nói.
Anh Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen, kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp Trẻ Hà Tĩnh không khỏi lo lắng cho biết, dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động lữ hành của công ty.
"Dịch kéo dài đang dần tước đi nghề lữ hành của chúng tôi. Nay công ty đóng cửa, nhân viên không có việc làm, doanh nghiệp như bất lực trong trong việc kiếm tiền để trả lãi ngân hàng, bảo hiểm nhân viên. Tết đến, với các nhân viên còn lại, công ty cũng cố gắng có gói bánh trị giá vài trăm ngàn cho gọi là “thưởng Tết”, anh Trình cho biết.
Chia sẻ khó khăn
Đến thời điểm này, nhiều doanh trên địa bàn Hà Tĩnh đã công bố mức thưởng Tết Nhâm Dần cho người lao động. Theo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cao nhất tại Hà Tĩnh là các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của nhà nước.
Cụ thể, tại các công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp có mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cao nhất là Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Nam Hà Tĩnh với 8,6 triệu đồng/người; thấp nhất là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A với mức 1 triệu đồng/người.
Các công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh thuộc Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam với 52 triệu đồng/người; mức thưởng thấp nhất là Công ty cổ phần Đăng kiểm Hà Tĩnh với 2 triệu đồng/người.
Mức thưởng cao nhất của khối doanh nghiệp dân doanh là Công ty cổ phần Vinpearl - Chi nhánh Hà Tĩnh với mức 40 triệu đồng/người; mức thưởng thấp nhất là Công ty TNHH Xuân Lâm với 800 ngàn đồng/người.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức thưởng cao nhất là Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Lào - Việt với 25 triệu đồng/người; Công ty TNHH Vận hành kinh doanh MCC Việt Nam có mức thưởng thấp nhất 200 ngàn đồng/người.