1-1665721075.jpg
Quang cảnh hội nghị

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử, đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Sau 17 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực Luật GDĐT năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung. 

Luật GDĐT năm 2005 có kết cấu 08 chương và 54 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) có 08 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám sát theo 09 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021.

Dự thảo Luật được sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật để có các chính sách mới phù hợp, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ngoài ra, Luật không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định, không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành trong các lĩnh vực.

2-1665721096.jpg
Đ/c Phạm Anh Tuấn – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước đánh giá nội dung dự thảo Luật GDĐT rất phù hợp với tình hình thực tế

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình cao với dự thảo Luật. Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, dự thảo Luật đang tập trung vào các đối tượng là công dân Việt Nam, chưa đề cập đến các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài. Đối với vấn đề cung cấp dịch vụ tin cậy cần quy định rõ tổ chức, cá nhân nào có chức năng cung cấp các dịch vụ pháp lý tin cậy.

3-1665721121.jpg
Đ/c Lê Văn Tân – Giám đốc Cổng TTĐT Nghệ An đề nghị cần quy định chế tài trong tranh chấp giao dịch điện tử, tranh chấp trong sử dụng dữ liệu dùng chung

Các đại biểu cũng đã góp ý cụ thể một số nội dung quy định về: Giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử; giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; hoạt động của cơ quan Nhà nước trên môi trường điện tử; chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước; vấn đề an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử; tính pháp lý của giao dịch điện tử…

4-1665721154.jpg
Đ/c Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu

Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.