Học viên tên Kiên, 33 tuổi, đứng trước micro cất tiếng theo nhạc và những cái vung tay bắt nhịp của người hướng dẫn. Anh đang tập hát một ca khúc nổi tiếng của ca sĩ Bằng Kiều. Tuy có chất giọng ấm áp nhưng đôi chỗ anh hát không khớp nhạc. Thầy giáo ngoài bắt nhịp "1, 2, 3", còn chỉ mẹo đếm nhịp tay, chân để khắc phục lỗi này.
Kiên làm trong lĩnh vực marketing nên thường xuyên phải giao lưu karaoke với khách hàng sau mỗi bữa nhậu. Covid-19 và việc tạm ngừng hoạt động hàng nghìn quán karaoke trên toàn quốc sau những vụ hỏa hoạn không làm hình thức giải trí này mai một. Giờ đây mọi người hát ở phòng trà, quán cà phê, tại nhà hay thậm chí quán ăn có trang bị loa, micro và những phòng hát đơn giản. "Chúng tôi thuê cả ban nhạc đến phục vụ", anh nói.
Đó cũng là lý do đưa anh đến lớp học này để nâng cao trình độ. "Tôi cũng được đánh giá hát tốt nhưng vẫn muốn học thêm để các anh em bất ngờ", anh nói nửa đùa nửa thật.
Đua nhau đi học hát karaoke
Là một nhân viên của Sở Nông nghiệp Bắc Ninh, chị Châu, 41 tuổi cho biết cơ quan có phong trào văn nghệ rất mạnh. Chị thích hát, cũng nhiều lần cầm micro nhưng giọng không lên cao được. Gần đây chị thường xin tan làm sớm, vượt gần 40 km lên Hà Nội đi học hát. "Đến đây mới biết học lấy hơi còn mệt hơn tập yoga", chị nói.
Học xong một khóa, chị Châu thấy có tiến bộ, nhưng muốn cải thiện nhiều và nhanh hơn nữa. "Thêm tiền cũng được, có khóa nào dạy tăng tốc giúp chị nhanh giỏi lên với", chị nói với cô nhân viên hỗ trợ đăng ký khóa mới.
Từ Lạng Sơn, chị Lường Thị Quỳnh, 28 tuổi, không quản ngại đi lại vài trăm km xuống Hà Nội học hát. Quỳnh cho biết tự ti với tật nói lắp từ thời còn đi học. Sự tự ti càng lớn khi chị làm trong trường mầm non, thường xuyên có liên hoan, hội hè. "Không biết hát nên tôi luôn từ chối tham gia. Nếu có đi karaoke, tôi cũng chỉ ngồi nhìn đĩa hoa quả, đóng vai khán giả", Quỳnh nói.
Đỉnh điểm là dịp tất niên cả trường tổ chức đi hát karaoke "tăng hai". Mọi người ai cũng hào hứng, ngoại trừ Quỳnh. "Trong lúc cuống quá tôi lấy lý do con nhỏ, chồng khó tính không cho đi đâu rồi trốn về trước", cô kể.
Nỗi buồn theo Quỳnh nhiều ngày sau cho đến khi nhìn thấy quảng cáo lớp học hát karaoke. Ngay lập tức cô liên hệ rồi đăng ký liền ba khóa, chi phí 12 triệu đồng - bằng ba tháng lương của cô.
Vì nhà xa, Quỳnh chủ yếu học online. Biết chồng không hiểu được nỗi niềm hát dở của mình nên Quỳnh giấu nhẹm chuyện học hát. "Anh làm xa, thường một tuần mới về nhà một lần. Có hôm đang hát thì anh về tôi phải thoát khỏi phòng học để không bị phát hiện", cô kể.
Anh Hoàng Văn Ngọc, giám đốc một trung tâm luyện thanh, luyện hát karaoke ở Hà Nội cho biết người Việt Nam thích giao lưu, ca hát, tuy nhiên số người tự tin với giọng của mình chưa nhiều.
Người đi học đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề nhưng đông nhất là dân văn phòng và người về hưu. Trung tâm của Ngọc có học viên ở nhiều tỉnh thành, thậm chí cả người Việt đang lao động, định cư nước ngoài. Anh Ngọc từng dạy một chị lấy chồng Hàn Quốc, hiện cho cả con gái học hát online để thành thạo tiếng Việt; một học viên 76 tuổi ở Khâm Thiên dù chân khó đi lại vẫn bắt xe đến lớp. Hay như học viên tên Trường, hơn chục năm đi làm giúp việc ở quận Long Biên cũng quyết định học hát để tìm niềm vui cho mình.
"Những người xa xứ, người lao động xa quê càng có nhu cầu học hát giúp họ giải tỏa nỗi buồn, nỗi nhớ người thân, quê nhà", anh Ngọc nói.
Hà Nội hiện có hàng chục cơ sở cải thiện giọng hát. Trung tâm của anh Ngọc mở trong mùa dịch, đến nay đã phát triển lên hai cơ sở. Các ca học gần như kín lịch, kể cả ngày thường. Năm ngoái, trung tâm có tới 4.000 học viên, trong đó 70% học hát.
Chị Đồng Thị Phương, giám đốc một trung tâm luyện thanh đã hoạt động 7 năm ở quận Ba Đình, cho biết lúc cao điểm có 35 ca học mỗi ngày, đào tạo khoảng 1.000 học viên mỗi năm. Trung tâm hướng tới đối tượng khách hàng là dân văn phòng, sếp lớn doanh nghiệp và người làm trong cơ quan nhà nước.
Giải thích sự bùng nổ của trào lưu này, chị Phương cho rằng chất lượng đời sống ngày càng nâng cao, con người càng có nhu cầu giải trí, hoàn thiện bản thân. Không ít người được bác sĩ tâm lý chỉ định đi học cho tinh thần vui vẻ. Người cao tuổi tập gym, golf cũng được khuyên nên học, không phải để hát hay mà luyện hơi thở, cải thiện sức khỏe.
Tùy theo lớp nhóm hay cá nhân và các trung tâm khác nhau, giá dao động từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi khóa. Có những người học một khóa cơ bản, cũng có không ít người càng học càng muốn tốt hơn, nên quá trình học kéo dài vài năm.
Giảng viên Trần Quang Trường, cử nhân thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho biết lộ trình học được chia thành bốn mức độ từ nhập môn thanh nhạc, cơ bản, nâng cao đến biểu diễn. Để tốt nghiệp một khóa cơ bản, người học sẽ trải qua các bước như tập lấy hơi, mở khẩu hình, luyện thanh, phách và nhạc lý, sau đó sẽ hướng dẫn áp dụng vào những bài hát cụ thể. Học viên sẽ được tư vấn bài hát phù hợp chất giọng. Mỗi người thường được khuyên chỉ nên theo đuổi 1-2 dòng nhạc chính.
Chị Phương cũng cho biết vì đây là bộ môn cần có năng khiếu nên có những học viên học rất khó khăn, chậm cải thiện. Đa phần sau khóa học đầu tiên đã có thể hát karaoke ở mức không "tra tấn người nghe", nhiều người trở thành "giọng ca vàng" ở xóm, cơ quan, đoàn thể.
Đến nay, Lường Thị Quỳnh đã học xong khóa đầu tiên. Hơn hai tháng qua chỉ có con trai làm khán giả, Quỳnh hay tưởng tượng đến một ngày cầm micro hát trước đồng nghiệp, bạn bè và cả ông xã. "Sắp tới nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ tham gia", Quỳnh nói.
Vốn là "cây văn nghệ" ở cơ quan, Lê Minh Trang, 35 tuổi, làm trong ngành bảo hiểm ở Hà Nội, cứ nghĩ mình hát hay rồi, đến đi học mới biết những gì hát ra còn "bản năng, nhiều thiếu sót và sai kỹ thuật".
Sau khóa học, cô càng thêm tự tin biểu diễn tại công ty và phục vụ gia đình. Điều khiến Minh Trang không ngờ là được trung tâm mời tham gia biểu diễn trong đêm nhạc chào Xuân 2023 - sự kiện chỉ có những ca sĩ, giáo viên thanh nhạc và một vài học viên xuất sắc nhất các khóa.
Đêm đó, trên sân khấu phòng trà nổi tiếng bậc nhất thủ đô, Minh Trang "phiêu" trong một bài hát có tấu nhanh, cuốn hút hơn 200 khán giả cổ vũ nhiệt tình. "Đó là một kỷ niệm đẹp, không chỉ thầy cô, bạn bè khen, tôi còn nhìn thấy sự tự hào trong mắt hai con và ông xã", cô nói.
Theo Phan Dương - vnexpress.net