LTS: Khoai tây nhập từ Trung Quốc đưa về Bắc Ninh, sau đó về hai huyện Đức Trọng, Đơn Dương và TP Đà Lạt (Lâm Đồng) rồi hô biến thành nông sản Đà Lạt.

Sau gần hai năm tìm hiểu, chúng tôi tận mắt thấy các chủ vựa “phù phép”, biến khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt rồi mang bán khắp các tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang…

Từ tháng 5 hằng năm, khi nông dân tỉnh Lâm Đồng tạm ngưng trồng khoai tây cũng là lúc một số vựa rau củ lớn ở tỉnh này nhập khoai tây Trung Quốc về “phù phép” thành nông sản Đà Lạt.

Vựa khoai tây không nhận người lạ làm việc

Từ rỉ tai của dân buôn các mặt hàng nông sản tại tỉnh Lâm Đồng, rằng nhiều vựa nông sản trên địa bàn hai huyện Đức Trọng, Đơn Dương và TP Đà Lạt thường xuyên trộn đất vào khoai tây để đánh lừa người tiêu dùng, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu.

Trong thời gian dài xin vào làm việc để tiếp cận nhưng bị từ chối vì họ chỉ nhận người quen, chúng tôi chuyển sang làm dân buôn chuyến hàng nông sản để vào bên trong vựa khoai tây Toàn Luyện trên đường Dương Đình Nghệ, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

8-1725586747.PNG
 

Đây là vựa khoai tây lớn nhất huyện Đức Trọng, chuyên mua bán các loại khoai tây, hành tây và rau củ quả, nằm gần khu vực chợ đầu mối huyện Đức Trọng. Vựa do một phụ nữ tên Luyện, khoảng 50 tuổi làm chủ.

Phụ giúp bà Luyện là con gái và nhiều công nhân chuyên bốc vác, rửa khoai tây, hành tây và các loại nông sản khác. Mỗi ngày vựa Toàn Luyện có cả chục xe tải chở hàng ra vào.

Khoai tây chủ yếu từ Trung Quốc, về Việt Nam thông qua cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) rồi tập kết tại TP Bắc Ninh.

Sau đó, các thương lái “mượn” địa bàn tỉnh Lâm Đồng để biến thành nông sản mang thương hiệu Đà Lạt rồi mang bán khắp các tỉnh, thành phía Nam.

Tháng 5-2024, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với bà Luyện để hỏi về các loại nông sản, bà cho biết: Muốn mua khoai tây Trung Quốc thì đến vựa xem hàng. “Còn nếu muốn trộn đất vào khoai tây Trung Quốc để thành hàng Đà Lạt thì tôi sẽ cho nhân viên trộn đất cho” - bà Luyện nói qua điện thoại rồi chỉ đường cho chúng tôi đến vựa của bà.

Theo hướng dẫn của bà Luyện, chúng tôi tìm đến vựa rau Toàn Luyện. Cơ sở rộng khoảng 500 m2 đang chứa nhiều loại hành tây, khoai tây. Lúc chúng tôi đến nơi, trong cơ sở có bốn công nhân đang tất bật lựa và trộn đất vào khoai tây.

Lúc này, bà Luyện đi vắng nên hẹn chúng tôi tuần sau quay lại sẽ gặp bà.

Sáng 25-5, chúng tôi đến nơi và chứng kiến xe container loại 40 feet biển số 37H-040... đang đậu trong kho. Theo quan sát, bên trong thùng container đang chất đầy các bao khoai tây và bà Luyện cho biết vừa nhập từ Trung Quốc về.

Lúc này, năm công nhân đang tất bật bốc vác từng bao khoai tây trên xe xuống để trong nhà kho. Phía dưới, bốn công nhân tay thoăn thoắt lựa, phân loại, rửa khoai tây củ to, màu vàng bỏ riêng vào từng sọt.

88-1725586782.PNG
 

Rắc nước, trộn đất vào khoai tây

Tại đây, các công nhân phân loại khoai tây để riêng ra từng sọt, cạnh đó còn là các nồi và ca đựng nước.

Khi khoai tây vừa đầy lưng sọt, mỗi sọt khoảng hơn 10 kg thì các công nhân lấy nước từ các nồi rắc vào sọt khoai tây.

Khi khoai tây thấm nước, họ bốc từng nắm đất màu đỏ mịn đã được chuẩn bị sẵn rắc lên mặt khoai tây. Cuối cùng, các công nhân lắc các sọt qua lại vừa đủ mạnh để đất bám đều vào từng củ khoai tây.

v-1725586812.PNG
Khoai tây Trung Quốc được rửa bằng vòi nước, sau đó các công nhân rửa và phân loại rồi rắc nước, trộn đất đỏ tại vựa khoai tây Toàn Luyện ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

Cứ thế, công nhân lần lượt làm từ sọt này đến sọt khác, sau khi các sọt ráo nước thì đóng khoai tây vào từng bịch nylon và đến đây thì khoai Trung Quốc đã thành... nông sản Đà Lạt.

Hôm chúng tôi có mặt thì gặp một người đàn ông đến vựa nông sản này và cho biết là khách mua khoai tây. Qua đoạn đối thoại của vị khách và con gái bà Luyện cho thấy trước đây ông hay mua khoai hồng trên TP Đà Lạt, tuy nhiên hiện nay hết hàng nên xuống huyện Đức Trọng mua (khoai tây Trung Quốc có ba loại là màu hồng, màu vàng và màu trắng).

Lúc này, cô gái chỉ tay vào lô khoai tây vừa trộn đất xong và nói đang làm cho khách tại TP Đà Lạt theo đặt hàng. “Đó, khoai hồng đó là làm cho Đà Lạt, 2 giờ xe Đà Lạt mới xuống lấy. Chiều em trộn một mớ cho họ lấy nhưng ở trên đó họ thích màu thật tươi cho nên phải rửa ra rồi trộn đất vô. Đà Lạt hết rồi, Đà Lạt còn xuống đây mua mà” - cô gái một lần nữa khẳng định chuyên bán khoai hồng trộn đất cho khách tại TP Đà Lạt và nói tiếp: “Khoai nào mà chả như nhau…”.

koo-1725586847.PNG
 

Tiếp đó, một xe tải loại 8 tấn khác chạy đến, khi xe vừa dừng, cô gái lập tức yêu cầu một nam nhân viên vác năm bao khoai tây từ xe container, xuống làm cho khách.

Nhân viên nhanh chóng lấy khoai tây đổ vào một lồng sắt rộng chừng 2 m2 nằm sát vách tường. Tiếp theo, nam nhân viên bật công tắc để vòi nước phun vào, lồng sắt bắt đầu quay đều, tự động rửa khoai tây.

Khoảng 10 phút sau, khoai tây được rửa sạch, lộ ra màu vàng đẹp mắt rồi tự động đổ ra các sọt đã chờ hứng sẵn. Lập tức nam nhân viên đổ khoai tây vào các rổ nhỏ hơn.

Lúc này, một nhóm công nhân khác lấy đất để trong rổ rồi sàng mạnh tay để đất bột rơi xuống bề mặt khoai tây, đất hột to hơn còn vướng lại trong rổ được bỏ đi.

Theo lời giải thích của công nhân, đất hạt to phải bỏ đi là vì rất khó dính vào khoai tây. Sau khi khoai tây đã thấm đều đất đỏ mịn, nhân viên lại đổ khoai tây vào các túi nylon rồi bỏ lên cân, đưa lên xe tải bàn giao cho khách.•

Xé tem, trộn lại khi không giống hàng Đà Lạt

Ngoài việc trộn đất, vựa khoai tây Toàn Luyện còn nhận dán tem giả khoai tây Đà Lạt khi khách có nhu cầu.

h-1725586900.PNG
Bà Hương cùng các công nhân đang dán tem khoai tây Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc. Ảnh trong bài: Minh Hậu - Tự Sang

Vào cuối tháng 5-2024, một vị khách hỏi con gái bà Luyện là muốn đóng thùng giấy và dán tem cho khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, lúc này cô gái mở điện thoại đưa mẫu tem giả khoai tây Đà Lạt cho người này xem và nói: “Mẫu tem như thế có được không?”.

Khi người này đồng ý, cô gái dặn khi nào cần lấy thì phải báo trước để cho người chuẩn bị thùng, tem và đất để trộn vào khoai tây.

Đến ngày 4-6, người khách này quay lại và cho biết muốn trộn hàng mẫu rồi đóng thùng, dán tem khoai tây Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc như chỉ dẫn của cô gái trước đó.

Lúc này, cô gái thông báo: “12.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí thùng, tem giả thương hiệu Đà Lạt và công trộn đất, tổng giá thành 1 kg khoai tây này là 12.500 đồng”.

Sau đó, các công nhân nhanh chóng trộn đất, đóng thùng, dán tem sẵn. Tuy nhiên, người này không đồng ý vì cho rằng màu đất trộn chưa đạt chất lượng. Các công nhân lập tức dùng dao rạch thùng giấy, đổ khoai tây đã trộn trong thùng ra và chỉ lựa lấy loại khoai tây lớn. Riêng loại nhỏ loại ra.

Công nhân lúc này vẩy nước vào khoai tây loại lớn rồi rắc thêm đất màu vào và trộn lại. Sau khoảng 1 giờ, số khoai tây này được đóng lại vào thùng và dán tem giả thương hiệu khoai tây Đà Lạt, bàn giao cho khách.

....................................

Công an phát hiện nhiều vựa trộn đất Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc

Sau khi tiếp nhận thông tin từ Pháp Luật TP.HCM, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ vào cuộc kiểm tra đồng loạt tám điểm kinh doanh rau củ trên địa bàn hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng và phát hiện nhiều điểm đang trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc.

Cụ thể, ngày 24-8, tổ công tác do Thượng tá Lương Đình Chức, Tổ trưởng tổ công tác Công an tỉnh Lâm Đồng, chỉ huy chia thành hai mũi ập vào kiểm tra vựa nông sản Huyền Thủy Trang và điểm trộn đất vào khoai tây Trung Quốc cách đó khoảng 5 km ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương.

Thời điểm kiểm tra, tại vựa nông sản có một xe tải đang xuống khoai tây. Trong vựa có bà Hương, bà Huyền (chủ vựa) cùng gần chục công nhân đang lựa khoai tây, đóng gói vào từng bịch.

Khi các trinh sát xuất hiện, bà Hương và bà Huyền liên tục lớn tiếng, bảo là không làm bất cứ điều gì sai phạm, công an không có quyền kiểm tra và yêu cầu phải có công an huyện mới hợp tác.

kl-1725586960.PNG
Công an tỉnh Lâm Đồng cùng Công an huyện Đức Trọng kiểm tra vựa khoai tây Toàn Luyện. Ảnh: M.HẬU

Khi thấy công an huyện và công an xã đến, bà Hương và bà Huyền mới hợp tác với công an. Ở khu vực xã Ka Đô, tổ trinh sát phát hiện một nam thanh niên trộn đất đỏ vào khoai tây. Theo thanh niên này, khoảng 2,5 tấn khoai tây trộn đất đỏ để bán cho một người ở TP.HCM.

Trên nền nhà, công an còn phát hiện nhiều bao đất đỏ đã xay nhuyễn, thùng giấy và hàng trăm sọt khoai tây đã nhuộm đất còn ướt đang được hong khô dưới quạt máy công suất lớn.

Khi các trinh sát thông báo cho bà Huyền là phát hiện thanh niên đang trộn đất vào khoai tây cho vựa của bà, lúc này bà Hương mới dịu giọng: “Cả nước giờ phải ăn khoai tây, hành tây Trung Quốc, khoai Đà Lạt còn thì cũng lên mầm hết rồi. Hồi xưa thì lấy trực tiếp từ Trung Quốc về, bây giờ phải nhập về Bắc Ninh rồi mới đem về”.

Còn bà Huyền thì nói cứng: “Hàng Trung Quốc, tôi có trộn đất tôi cũng nói hàng Trung Quốc, cả chợ ai cũng biết hết rồi. Trộn đất do người ta thích trộn đất”.

Khi một cán bộ công an hỏi: Sao không để nguyên hàng Trung Quốc mà phải trộn đất Đà Lạt? Bà này liền nói: “Người ta thích giống hàng Quảng Đông nên phải lấy đất Đà Lạt trộn vào cho giống hàng Quảng Đông”.

Bà này cũng cho biết nếu làm khoai tây Trung Quốc nhưng dán tem nhãn hiệu Đà Lạt thì mới sai. Tuy nhiên, trước đó chúng tôi đã nhiều lần ghi được hình ảnh người phụ nữ này dán tem nhãn hiệu Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc.

Cùng với tổ công tác ở huyện Đơn Dương, tổ thứ hai đã đồng loạt kiểm tra nhiều vựa rau củ ở huyện Đức Trọng. Tại vựa nông sản Thương Vui, huyện Đức Trọng, tổ công tác cũng phát hiện cơ sở này đang trộn đất Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc.

Theo ghi nhận, tại vựa có khoảng 1 tấn khoai tây đã được trộn đất xong, còn 1/3 bao đất chưa sử dụng. Chủ vựa cho biết đất được trộn cho khách quen và khoai tây được lấy từ Trung Quốc đem về Bắc Ninh rồi mang về đây. Sau đó, khoai tây sẽ được giao cho các bạn hàng ở các tỉnh thành Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai, Cà Mau…

Sau khi ập vào kiểm tra hai vựa khoai tây của Huyền Thủy Trang, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã mở rộng điều tra và kiểm tra thêm những điểm kinh doanh khoai tây Trung Quốc khác như điểm kinh doanh rau củ Tâm Uyên và Chúc Quỳnh ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương.

Tại đây, công an phát hiện hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc. Thời điểm kiểm tra, cả hai điểm kinh doanh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số khoai tây này.

Thời điểm kiểm tra, người quản lý không cung cấp được hóa đơn, chúng từ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các lô hàng trên mà chỉ hẹn gửi hóa đơn qua Zalo.

Lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết bước đầu phát hiện các điểm này có một số vi phạm như: Kinh doanh không phép, kinh doanh sai phép; một số điểm chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ; một số điểm kinh doanh trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc.

“Công an tỉnh đang phối hợp với cơ quan liên quan để làm rõ các vấn đề liên quan đến thuế và xác minh một số điểm có dấu hiệu dán tem giả hàng Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc để xử lý…” - lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết.