Sau gần 7 năm ròng rã kêu khắp nơi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành lập đoàn giám sát vụ án và đã có kết luận chỉ ra nhiều sai sót của cơ quan tố tụng.
Ngược lại thời gian…
Ngày 21/5/2018 HĐXX sơ thẩm lần đầu Tòa án Hà Nội đã tuyên Phạm Thanh Hải phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị xử phạt mức án tù chung thân và buộc phải bồi thường hoàn trả lại ngay số tiền cho những bị hại có tên trong danh sách yêu cầu, cụ thể là 506 người với tổng số tiền trên 386 tỷ đồng… Tất cả nhà đầu tư tham dự phiên tòa đồng loạt đứng lên la ó, phản đối, gào khóc kêu oan cho bị cáo.
Trong lá đơn kêu cứu khẩn thiết của Ban đại diện các nhà đầu tư trong vụ án Phạm Thanh Hải, gồm ông Lê Hồng Cải (1953, thương binh ¼) ở thôn Đại Vỹ, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội; bà Trần Thị Thanh Tâm (1963) ở 32 ngách 6/15 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội; ông Lê Văn Bàn (1956) ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội và ông Dương Văn Khoa (1944) ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm Hà Nội, nêu quan điểm, họ là những cựu chiến binh, thương binh, cán bộ từng công tác và làm việc trong các cơ quan nhà nước, đã nghỉ hưu và cũng là nhà đầu tư góp vốn cho Tiến sĩ doanh nhân Phạm Thanh Hải - Công ty IDT. Họ cho rằng TAND Tp Hà Nội kết án chung thân bị cáo Phạm Thanh Hải với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa khách quan, Hải “không có tội, không lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Ban đại diện và các nhà đầu tư, cho đến ngày bị bắt giam, ông Phạm Thanh Hải chưa chiếm đoạt của bất kỳ ai, tất cả các hợp đồng đến hạn đều được thanh toán đầy đủ. Chính Cơ quan CSĐT đã xác nhận: “Sau khi huy động vốn của nhiều người, Hải dùng tiền để đầu tư nhiều dự án, đến kỳ hạn trả tiền thì Hải căn cứ vào hợp đồng để trả lại tiền cho khách, đến nay Hải vẫn trả đầy đủ tiền cho khách theo hợp đồng, chưa có khách hàng nào thắc mắc hay khiếu kiện” (công văn 6380/PC46 - Đ10 ngày 28/10/2015).
Trên thực tế, ông Hải đã huy động khoảng 800 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Tổng số tiền 2.725 tỉ là dòng tiền liên tục của các hợp đồng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm nối tiếp nhau, cả gốc và lãi, chứ không phải tổng số tiền ông Hải huy động được. Tại trang 12 bản Cáo trạng số 247/CT-VKS cũng ghi nhận tổng số tiền ông Hải huy động là 2.725 tỷ đồng và đã chi trả lại cho các hợp đồng và hoạt động của công ty là 2.905 tỷ đồng. So sánh con số huy động và con số đã chi (như trong Cáo trạng) thì thấy ông Hải đã chi nhiều hơn số tiền huy động 180 tỷ. Nhìn vào con số này ai cũng thấy, việc khẳng định Phạm Thanh Hải chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư chỉ là suy đoán theo hướng có tội.
Bản án sơ thẩm cũng đề cập đến số tiền ông Hải “tự nguyện trả lại” là trên 71 tỷ đồng, trong khi con số này không có trong Kết luận điều tra, không có trong bản cáo trạng. Khi bắt thì tất cả tài khoản của ông Hải đều bị phong tỏa, ông Hải không giữ riêng cho mình một khoản tiền nào, vậy thực hư sự việc “tự nguyện trả tiền” này là gì? Ai có quyền lấy tiền của ông Hải để “tự nguyện trả lại” cho một số nhà đầu tư, và những nhà đầu tư nào đã nhận số tiền này trong lúc ông Hải đang bị giam giữ rất nghiêm ngặt, khi vụ án chưa được xét xử, chưa có bản án?
Cuối cùng, các nhà đầu tư khẳng định: “Tiền góp vốn đầu tư cho ông Hải là của cá nhân gần 3.000 nhà đầu tư, không liên quan đến tiền của nhà nước. Chúng tôi đề nghị các cơ quan tố tụng hãy để chúng tôi tự giải quyết với cá nhân ông Hải theo nội dung hợp đồng mà ông Hải đã ký kết với chúng tôi. Nếu bên nào vi phạm hợp đồng bên đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng tôi chờ đợi tin tưởng vào một phiên tòa xét xử công tâm, công bằng, đúng pháp luật”.
Các nhà đầu tư đều khẳng định Phạm Thanh Hải là tài năng trong kinh doanh. Những người biết Phạm Thanh Hải, bạn cùng du học nước ngoài với Hải, đều cảm phục và khẳng định Phạm Thanh Hải là người thông minh, học giỏi và có tài kinh doanh. Có người viết về Hải như sau: “Kinh doanh, đó là quá trình thực hiện các ý tưởng, mà ý tưởng được hiện thực hóa không phải ai cũng làm được. Phải giỏi! 8 năm trời đi trên dây, Phạm Thanh Hải không bị ngã, bởi anh biết đầu tư vào đâu, cái gì ngắn hạn, cái gì cần dài hạn. Học làm giàu qua mạng, đi siêu thị qua mạng, dạy dỗ trẻ em qua mạng… anh triển khai cách đây trên cả chục năm, đến bây giờ mới rộ lên. Thương mại điện tử, giáo trình điện tử… Có thể nói anh là nạn nhân của lối tư duy từ những năm 80 của thế kỷ trước”. Đúng vậy, cả Tiki, Sendo cũng ra đời sau khi Phạm Thanh Hải triển khai Đi siêu thị rất nhiều năm. Lazada, Shopee là những trang thương mại điện tử của nước ngoài cũng có mặt ở Việt Nam sau sự xuất hiện của Đi siêu thị thương hiệu Phạm Thanh Hải!
Các nhà đầu tư khẳng định Phạm Thanh Hải không phải là kẻ lừa đảo, không phạm tội, vì sao?
Các nhà đầu tư khẳng định Phạm Thanh Hải không phải là kẻ lừa đảo vì những lý do sau: Thứ nhất, từ 2007 đến 2015 doanh nhân này chưa bao giờ lỗi hẹn với khách hàng. Ông luôn lấy chữ tín làm đầu. Thứ hai, gia đình, vợ con, họ hàng ông Hải đều yên ổn làm ăn ở trong nước. Thứ ba, Hải không ăn chơi xa hoa, ông cùng vợ và các con vẫn sinh sống trong một căn chung cư bình dân trả góp, vẫn đi một chiếc xe cũ kỹ, rẻ tiền. Thứ tư, ông luôn ấp ủ các ý tưởng kinh doanh mới mẻ, đi trước thời đại và dồn tất cả tâm huyết cho các dự án, dành tất cả tâm lực để thực hiện các ý tưởng làm giàu cho mình, làm giàu cho mọi người…
Trong cộng đồng các nhà đầu tư lan truyền câu chuyện về một vị trong ngành hành pháp Hà Nội, bà này nói với họ rằng: “Hải làm vậy vì thích nổi tiếng”! Các nhà đầu tư bật cười, vì họ biết rằng Hải đâu có ham nổi tiếng, đơn giản chỉ là Hải muốn giúp mọi người giàu có hơn. Tiếp xúc với các nhà đầu tư của Phạm Thanh Hải, điều rất dễ nhận thấy là họ thực sự yêu thương Hải, coi Hải như người thân của mình vì Hải là người có tài, có tâm. Hải không tham lam, Hải là người sẵn sàng chia sẻ. Người đàn ông hiền lành, nhu mỳ, nhân hậu đó chỉ muốn giúp mọi người để tất cả cùng giàu có hơn, đủ đầy hơn.
Quan niệm “Lấy đâu ra lãi “khủng” để trả cho nhà đầu tư” là cách nghĩ của những người không bao giờ kinh doanh. Xin hãy quan sát rộng ra sẽ thấy: Lĩnh vực bảo hiểm không giấu giếm việc chia hoa hồng cho nhân viên khai thác Hợp đồng từ 40 đến 50%, thậm chí cộng cả tiền thưởng thì có lúc đạt 70-80% hoặc hơn nữa; trên sàn chứng khoán các công ty chi cổ tức hàng năm cho cổ đông 300%, 400%, 450% cũng không ít. Cơ quan điều tra nên tiếp xúc với các nhà đầu tư, lắng nghe ý kiến của họ, không nên cứ suy đoán theo hướng có tội và hình sự hóa quan hệ dân sự. Làm sao có thể nói, nếu tôi không bắt anh, tương lai anh sẽ phạm tội?!
Vấn đề cốt lõi ở đây là Hải đã lừa ai, chiếm đoạt bao nhiêu tiền? Theo bản cáo trạng mới nhất số 500, Cơ quan điều tra xác minh ghi lời khai của 574 người gọi là bị hại có 70 trường hợp thay đổi lời khai, họ không khiếu kiện, tố cáo, không đòi bồi thường và khẳng định Hải không lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; 22 trường hợp không khiếu kiện tố cáo, yêu cầu trả tự do cho Phạm Thanh Hải; 7 trường hợp đã chết; 69 trường hợp không đến cơ quan công an làm việc; 112 trường hợp không tìm thấy địa chỉ, còn lại 294 trường hợp giữ nguyên quan điểm yêu cầu bồi thường dân sự và xử lý theo pháp luật. Vậy 327 người có tên trong danh sách bị hại đã nộp đơn xin đưa họ ra khỏi danh sách bị hại, Cáo trạng đặt họ ở đâu? Tại tòa, những người này phát biểu rằng họ không hiểu tại sao có tên trong danh sách bị hại và đặt câu hỏi yêu cầu đại diện Viện kiểm sát trả lời, nhưng thật buồn khi tôi phải viết ra đây rằng, Đại diện Viện kiểm sát đã không trả lời được câu hỏi trên khiến các nhà đầu tư vô cùng bức xúc.
Thêm nữa: Tại sao 112 trường hợp không tìm thấy địa chỉ, không xác định được là ai vẫn đưa vào danh sách bị hại? Còn 294 trường hợp yêu cầu bồi thường, dĩ nhiên vay thì phải trả, vấn đề ở đây là hợp đồng của họ tại thời điểm Hải bị bắt đã đến hạn thanh toán chưa? Nếu chưa đến hạn thì họ cũng giống gần 3.000 nhà đầu tư, không phải cứ "nhận là bị hại" là được trả tiền, tiền trong tài khoản của Hải là tiền cá nhân của gần 3.000 nhà đầu tư chứ không phải tiền nhà nước. Và các nhà đầu tư đều bình đẳng, cùng có quyền lợi - nghĩa vụ như nhau, vì vậy không ai có quyền đem số tiền đó chi trả cho 294 trường hợp yêu cầu bồi thường nêu trên, kể cả các cơ quan tư pháp.
Nói thêm về cáo trạng số 500. Thứ nhất: con số 552 tỷ cáo trạng cho rằng Hải phải bồi thường. Các nhà đầu tư rất bức xúc, họ đặt câu hỏi: dựa trên căn cứ nào để yêu cầu Hải phải bồi thường 552 tỷ? Bồi thường cho những ai? Họ có đòi Hải phải bồi thường đâu? Nếu Hải được trả tự do và tiếp tục kinh doanh, họ sẵn sàng đóng góp người nhiều người ít giúp Hải có vốn để vực lại công ty. Nhiều người còn phát biểu trước Tòa rằng: Chúng tôi có tài liệu chứng minh có điều tra viên đến gặp nhà đầu tư vận động ký đơn đòi tiền. “Bác có muốn lấy lại tiền không? Nếu muốn, ký vào đơn, chúng tôi sẽ đòi hộ”! Có lẽ đây chính là lý do vì sao có tới 294 trường hợp có đơn đòi tiền. Của đau con xót, nhiều nhà đầu tư nghe theo và trở thành “bị hại”.
Thứ hai, Bản án phúc thẩm ghi rõ tòa sơ thẩm đã “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” (trang 23 Bản án phúc thẩm) và yêu cầu điều tra lại để làm rõ một số vấn đề Tòa phúc thẩm nêu ra. Nhưng quá trình điều tra lại và cáo trạng số 500 không hề có một dòng nào về vấn đề này, không đáp ứng các yêu cầu Tòa phúc thẩm đặt ra.
Ngoài những câu hỏi về vấn đề vừa nêu trên, các nhà đầu tư và các luật sư còn đặt rất nhiều câu hỏi yêu cầu đại diện Viện kiểm sát trả lời nhưng vị đại diện Viện kiểm sát không trả lời mà chỉ trích đọc Cáo trạng trong tư thế rất lúng túng, quay sang phải rồi lại quay sang trái, lập cập giở tìm tài liệu, mất bình tĩnh đến không biết mình đang nói vào khoảng không, không nói vào micro.
Chính vì vậy, hơn 40 câu hỏi của các luật sư Phạm Cương, Phan Văn Hải, Dương Văn Thụ, Dương Đức Tâm và rất nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư yêu cầu đại điện Viện kiểm sát trả lời đã rơi vào thinh không, không được trả lời.
Các nhà đầu tư hợp tác với doanh nhân Phạm Thanh Hải đều là những người có tri thức, tinh tế, thông minh và hiểu biết pháp luật. Họ biết họ đầu tư cho ai, vì sao họ tin tưởng, yêu quý và một mực kêu oan cho người đó. Xin đừng coi thường họ mà cố tình làm sai.
Bắt người chỉ sau hai ngày khi nhận đơn tố cáo của Lê Thị Hằng không cần điều tra xác minh, là đúng hay sai? Vị đại diện Viện Kiểm sát khẳng định tạm giam Phạm Thanh Hải gần 8 năm là đúng pháp luật, vậy theo điều khoản nào của bộ luật nào? Và chuyện vay mượn có phải là quyền tự quyết tài sản cá nhân không? Việc vay và cho vay giữa hai người là quan hệ dân sự hay hình sự?… Có trả lời được những điều căn cốt này mới làm sáng tỏ được vụ án.
Dư luận và các nhà đầu tư vẫn đang mong chờ một bản án công bằng, công minh./.