Ngày 21-2, tôi đến trụ sở Viettel Nghệ An (Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông quân đội) bên đại lộ Lê Nin, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An để tìm hiểu lí do vì sao điện thoại sử dụng sim Viettel của tôi bị khoá và đề xuất hướng xử lí.
Tại đây, tôi trao đổi với ông Trần Quang Huy - Phó giám đốc KHDN (khách hàng doanh nghiệp) về việc điện thoại bị khoá và nói thêm với ông Huy một thông tin: “Ngày 6-2, trước khi nghỉ Tết nguyên đán hai ngày, tôi nhờ người nhà nguyên là lãnh đạo Viettel Nghệ An hỏi giúp vì sao điện thoại của tôi dùng sim Viettel bị khoá. Một lúc sau, chị Hoàng Thị Hoa (nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel Nghệ An) gọi điện cho tôi, thông báo “sẽ kiểm tra và trả lời ngay trong chiều cùng ngày”. Nhưng chiều hôm đó không có ai trả lời như đã hẹn.
Sau Tết nguyên đán, ngày làm việc đầu tiên (15-2) tôi gọi máy chị Hoa để hỏi. Máy đổ chuông nhưng không ai trả lời.
Ngày 16-2 tôi gọi tiếp máy chị Hoa. Máy đổ chuông nhưng vẫn không có ai trả lời. Vì chờ không được nên tôi đăng kí gặp lãnh đạo Viettel Nghệ An để tìm hiểu và xử lí.
Ông Huy nói lời xin lỗi và mở điện thoại mời chị Hoa đến phòng làm việc của ông Huy nhưng “chị Hoa cáo bận do người nhà đang nằm viện”.
Sau 30 phút, một nhân viên chăm sóc khách hàng khác là chị Ngọc Anh đến, cho biết: “Lí do điện thoại bị khoá là do khách hàng không sử dụng trong 60 ngày liên tục”.
Chị Ngọc Anh nói thêm: “Đây là quy định về quản lí thuê bao trả trước thuộc Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT, ngày 13-4-2012. Khi chủ nhân biết thuê bao bị khoá nhưng không khắc phục thì 30 ngày sau số thuê bao trên sẽ bị tái sử dụng cho khách hàng khác vì sim Viettel được xem là một thứ tài nguyên”.
Tôi chợt nghĩ, nếu tôi cứ ở nhà chờ, sau 30 ngày chị Hoa đã hứa nhưng không trả lời thì thuê bao này sẽ bị huỷ. Vụ việc lại rắc rối, phiền hà thêm nữa.
Tôi nêu một câu hỏi về quy định này: “Trường hợp chủ thuê bao là nhà báo, hay nhà khoa học… bị đau ốm hoặc vì một lí do gì khác mà không sử dụng điện thoại trong vòng 60 ngày nhưng sau đó họ cần sử dụng mà thuê bao bị khoá thì có ảnh hưởng đến công việc của họ không”.
Ông Huy nói: “Đây là quy định của Bộ TTTT”. Ngay sau đó, ông Huy hỏi tôi: “Anh có cần không phục thuê bao này không”. Tôi trả lời: “Tôi có nhu cầu khôi phục để sử dụng”. Theo đó, ông Huy dẫn tôi xuống tầng 1, đến bộ phận chăm sóc khách nàng để chụp ảnh, làm lại các thủ tục để khôi phục thuê bao này và hẹn “khi cần nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ gọi điện”.
Tôi rời trụ sở Viettel thì chị Hoa gọi điện, cho biết “đang khắc phục”. Tôi hỏi vì sao sau tết tôi hai lần gọi điện chị không trả lời. Chị Hoa nói: “Tôi nhìn thấy số máy lạ nên không trả lời”.
Vậy, nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel Nghệ An không nghe điện thoại số máy lạ gọi đến. Nếu số máy lạ là khách hàng mới thì sao (!?).
Cho đến thời điểm tôi viết bài này (tức trưa ngày 26/2/2024), Viettel Nghệ An vẫn chưa có thông tin gì mới!?