Là một trong những mục tiêu mà Nghệ An đặt ra và cần về đích trong thời gian sớm nhất để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo liên kết vùng, miền…đưa địa phương trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ như kỳ vọng mà Trung ương đã yêu cầu.
“Vẽ” lại không gian kinh tế biển
Còn nhớ vào tháng 3/2023, khi Nghệ An công bố phương án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng diện mão mới khi đô thị loại I TP Vinh trực thuộc tỉnh sẽ sát nhập, mở rộng để vươn lên tầm cao mới. Và, khi phương án này được Trung ương phê duyệt, toàn bộ thị xã Cửa Lò rộng 29 km2, dân số hơn 57.000 người, gồm 7 đơn vị hành chính trực thuộc; 4 xã của huyện Nghi Lộc sẽ được TP Vinh “ôm trọn” với quy mô tổng diện tích tự nhiên là 166,24 km2, dân số là 575.718 người, 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 27 phường và 9 xã.
Với đặc thù vị trí địa lý, không gian văn hoá, xã hội, các chuyên gia nhận định, khi mở rộng địa giới TP Vinh với quy mô về diện tích, dân số như trên, Nghệ An sẽ có một đô thị mang tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, định hướng phát triển đô thị biển của Nghệ An gắn với chuỗi các hạ tầng đang được đầu tư, hệ sinh thái đa tầng về kinh tế biển sẽ trở nên sôi động, tạo môi trường tiềm năng cho các “đại bàng về làm tổ” bằng loạt các dự án đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch…
Tuy nhiên, để làm được điều đó, vấn đề “vẽ” lại không gian phát triển kinh tế biển cần phải có nhiều điểm nhấn, tạo ra các bước đột phá về tư duy, tầm nhìn để Nghệ An có thể tiến nhanh, tiến chắc trong tương lai gần.
Vào tháng 4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này cũng trở thành “kim chỉ nam” để địa phương cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu để các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp hiểu được vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời đề ra nhiệm vụ cụ thể, xác định lộ trình thực hiện và lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 về phát triển bền vững kinh tế biển.
Trước yêu cầu này, vào ngày 18/8/2023, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký ban hành kế hoạch số 608/KH-UBND yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ quan điều phối liên ngành để thống nhất chỉ đạo và thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương để xác định phạm vi ranh giới quản lý biển giữa các địa phương có biển giáp ranh (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh) tránh chồng lấn, tranh chấp, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về biển đảo có hiệu lực, hiệu quả.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến biển đảo đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW; tổ chức thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt.
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”
Ngoài việc “vẽ” lại bức tranh phát triển kinh tế biển với đầy đủ các loại hình đầu tư có một trong những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là phát triển các loại hình dịch vụ logistics, có sự kết nối liên kết vùng với Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, hình thành nhiều hơn các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài nhằm nâng cao năng lực vận tải của địa phương. Phát triển năng lực vận tải biển của các doanh nghiệp Nghệ An; tăng cường phạm vi hoạt động vận tải biển viễn dương kết nối đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN…
Người dân, doanh nghiệp cũng kỳ vọng, trong giai đoạn tới, phát triển hạ tầng khu bến Bắc Cửa Lò (nhất là Cảng nước sâu Cửa Lò với 03 bến cho tàu có 100.000 DWT thành cảng Quốc tế), khu bến Đông Hồi; thu hút đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào khu bến Nam Cửa Lò đảm bảo cho các tàu có trọng tải lớn cập bến... Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông kết nối đến cảng biển như đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An);
Đường nối Vinh - Cửa Lò, giai đoạn 2; đường đến các cảng biển, đường du lịch ven biển... Phối hợp đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, phía Đông... Cùng với đó, nâng cấp mở rộng các khu neo đậu, tránh, trú bão tại khu vực bến cảng đảm bảo điều kiện, nhu cầu cho các tàu của ngư dân và các tàu có công suất lớn, qua đó giải quyết tình trạng quá tải trong mùa mưa lũ sẽ được tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện.
Đây được xem như một “bước đệm” để Nghệ An mở ra cơ hội hiện thực hoá các mục tiêu phát triển kinh tế biển trong thời gian tới. Bởi chỉ có hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, rộng mở tư duy tầm nhìn, dẹp bỏ vấn nạn “trên trải thảm, dưới rải đinh” thì các mục tiêu phát triển kinh tế biển không chỉ còn là những chỉ đạo chung chung nữa.
Đáng quan tâm, việc phát huy tiềm năng, lợi thế để Nghệ An phát triển kinh tế biển còn mở ra cơ hội cho chuỗi liên kết đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng các mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững. Cũng theo nhận định của các chuyên gia, nếu Nghệ An không nắm bắt được thời cơ, vận hội thì sẽ lỡ nhịp phát triển kinh tế biển so với một số tỉnh, thành trong khu vực miền Trung là điều khó tránh khỏi. Lúc đó, cơ hội để Nghệ An có thể “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” sẽ bị lỡ nhịp…