a-1635036750.jpg
Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát đã gây thiệt hại đến kinh tế cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Những ngày này, trên hệ thống loa truyền thanh xã Nam Thành (Yên Thành) liên tục thông báo đến người dân về bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn xã. Nhiều hộ dân chăn nuôi không khỏi lo lắng, bởi giá lợn đang giảm mạnh, lại thêm dịch bệnh nữa thì thiệt hại lớn. Theo đó, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định; các hộ dân chăn nuôi chủ động thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng trong khu vực chuồng trại; việc giết mổ lợn trên địa bàn xã tạm thời ngừng hoạt động...

Ông Hoàng Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Nam Thành cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát từ ngày 2/10 vừa qua, đến nay đã có 15 con lợn bị nhiễm dịch, tiêu hủy tại 2 xóm Tây Hồ và Phan Đăng Lưu (đây là những ổ dịch cũ đã xảy ra từ năm 2020). Trước tình hình đó, xã tập trung thực hiện các giải pháp phòng dịch theo quy định, nhằm sớm được khống chế dịch, nên từ ngày 17- 23/10 không phát sinh thêm điểm dịch mới.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết, dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn huyện từ ngày 13/9, đến nay đã có 176 hộ tại 88 xóm, 27 xã; số lợn tiêu hủy 646 con, trọng lượng trên 34.000 kg. trong đó, các xã có dịch diễn biến phức tạp: Khánh Thành, Công Thành, Nam Thành, Trung Thành, Vĩnh Thành, Long Thành, Đồng Thành, Kim Thành, Lý Thành, Phú Thành...

b-1635036804.jpg
Cơ quan chuyên môn huyện Diễn Châu tiêu hủy lợn nhiễm dịch. Ảnh: Quang An

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết: Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn Yên Thành là do vi rút dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền đa dạng, phức tạp, trong khi đó, hiện vẫn chưa có thuốc và vắc-xin phòng bệnh.

Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại và phát tán rộng. Do côn trùng, chuột mang mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác. Công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm chưa được chú trọng, tỷ lệ tiêm phòng quá thấp, không đạt tỷ lệ bảo hộ nên dịch dễ phát sinh và lây lan. Một số hộ chăn nuôi còn giấu dịch, khi lợn mắc bệnh không khai báo, cố tình giết mổ để tiêu thụ, chung đụng lợn.

Các cơ sở chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn nhiều, trong khi điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, mua con giống không rõ nguồn gốc, không khai báo cho chính quyền địa phương.

Địa phương tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; bố trí kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và cơ quan chuyên ngành.

c-1635036832.jpg
Người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng để bảo vệ đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

'' Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện khai báo đàn vật nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Khuyến cáo người dân không được tăng đàn, tái đàn khi chuồng trại không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, không đảm bảo vệ sinh thú y''  - Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành chia sẻ

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Hiện tại vẫn còn 16/21 huyện, thị, thành phố có lợn nhiễm dịch, trong đó, những địa phương có dịch diễn biến phức tạp: Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu, Con Cuông, Nam Đàn, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tương Dương, Yên Thành, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Kỳ Sơn... Tuy nhiên, dịch chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nên các địa phương đang khoanh vùng dập dịch trong tầm kiểm soát. 

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, thời tiết đang chuyển lạnh và mưa là điều kiện thuận lợi cho mầm dịch phát tán. Để giảm bớt sự lây lan của bệnh dịch, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng dịch; người chăn nuôi không giết mổ, bán tháo khi lợn có biểu hiện ốm, mà báo với chính quyền địa phương để có giải pháp thực hiện, khống chế dịch trong diện hẹp.

Hiện nay giá lợn thịt hơi đang rớt chạm đáy, người chăn nuôi thua lỗ, bởi giá đầu vào tăng cao, vì vậy, nếu không khống chế được dịch bệnh thì người chăn nuôi càng thiệt hại nặng hơn. Do vậy, các địa phương cần tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch một cách quyết liệt, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn./.