Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết đại dịch còn kéo dài, chưa biết khi nào mới kết thúc, chúng ta cần lưu ý nhóm thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe, cung cấp đầy đủ dưỡng chất để ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, để có được sức khỏe tốt ứng phó với dịch Covid-19 kéo dài, việc cung cấp đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu là điều tối quan trọng.

dich-chua-co-hoi-ket-an-gi-de-covid-19-khong-tan-cong-1641870044.jpg
Dịch chưa có hồi kết, ăn gì để Covid-19 không tấn công?

Các nhóm chất dinh dưỡng gồm protein, carbohydrate và lipid là ba nhóm chất quan trọng để duy trì và tăng cường thể trạng của cơ thể. Bên cạnh đó, nhóm vitamin và khoáng chất cũng là nhóm chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sức khỏe cơ thể và tăng cường sức đề kháng nhưng cũng dễ bị bỏ sót trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày.

Nhóm vitamin và khoáng chất này bao gồm:

Các Vitamin nhóm B (thường có trong ngũ cốc, sữa, trứng, thịt, cá...) giúp giải phóng năng lượng từ thức ăn, giữ da, mắt và hệ thần kinh khỏe mạnh, giúp hình thành hemoglobin, chuyển hóa chất béo.

Vitamin A (thường có trong gan, trứng, trái cây rau củ có màu đỏ/vàng/cam) giúp duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc.

Vitamin C (thường có trong trái cây và rau tươi) giúp tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp.

Vitamin D (thường có trong cá, trứng, sữa hoặc tiếp xúc với ánh nắng 15-30p) giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.

Vitamin E (thường có trong sản phẩm từ đậu nành, giá đỗ, rau mầm) giúp thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch.

Kẽm (thường có trong thịt gia cầm, động vật có vỏ và hải sản, vừng) giúp điều hòa miễn dịch và các phản ứng viêm.

Omega-3 (thường có trong các hồi, cá basa, các loại cá béo, hạt óc chó, hạt chia...) giúp cải thiện hệ miễn dịch và chống viêm.

Ngoài ra, chúng ra cũng cần lưu ý bổ sung selen, flavonoid và probiotic giúp chống oxy hóa, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng.

TS. BS Hồng Sơn nhấn mạnh, các vi khoáng kể trên có thể được cung cấp từ thực phẩm hàng ngày, nếu cần có thể bổ sung từ các viên đa vi chất tổng hợp theo chỉ định của các bác sỹ.

Ngoài ra, để nâng cao sức đề kháng, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng người dân nên thực hiện nguyên tắc dinh dưỡng 4-5-1 của Bộ Y tế vào bữa ăn hàng ngày, song song với việc tăng cường vận động và giữ gìn vệ sinh cá nhân để mỗi người sẽ là “một lá chắn thép” vững chắc trong công cuộc chiến đấu với Covid-19.

Cụ thể, trong công thức dinh dưỡng 4-5-1 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, số 4 chính là chế độ ăn cân đối 4 yếu tố: chất sinh năng lượng (Carbohydrate; protein; lipid), protein (động vật và thực vật), lipid (động  vật và thực vật) và vitamin, khoáng chất.

Tiếp đó, số 5 trong công thức này nghĩa là, để đảm bảo tính đa dạng của các bữa ăn cần phải có ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm. Các nhóm bao gồm:

Nhóm lương thực (gạo, mì) là thức ăn cơ bản và nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.

Nhóm các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc,…) là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể; sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi quan trọng cho cơ thể.

Nhóm thịt các loại, cá, hải sản: cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axit amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được; nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể.

Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua) hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng quan trọng cho cơ thể. Loại rau càng sẫm màu càng có giá trị dinh dưỡng với cơ thể.

Nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải…) cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. Và nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các axit béo cần thiết cho cơ thể.

Cuối cùng, số 1 chính là mỗi bữa ăn trong một ngày cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm. Công thức dinh dưỡng 4-5-1 cho thấy, trong mỗi bữa ăn phải đảm bảo tính đa dạng, cân đối không kiêng khem hoặc lạm dụng bất cứ thực phẩm nào.

TS. BS Trương Hồng Sơn cũng chỉ rằng các nghiên cứu cho thấy người có sức đề kháng suy yếu khi bị nhiễm Covid-19 thường có diễn biến nặng và nguy kịch hơn, ở hai khía cạnh, thứ nhất là bản thân bệnh nghiêm trọng và thứ 2 là ngoài bị nhiễm Covid-19, khi người bệnh có bệnh nền thì có thể bội nhiễm thêm nhiều bệnh khác như nấm, vi khuẩn…

Vì vậy, bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và khoa học, mỗi người cần xây dựng cho bản thân và gia đình cuộc sống lành mạnh, vui khỏe, sống khỏe để tạo nên bộ “áo giáp hoàn hảo” để chủ động phòng chống lại dịch bệnh.

Do đó, để có cơ thể khoẻ mạnh ngoài phối hợp ăn đầy đủ dưỡng chất mỗi người cần uống nhiều nước; ăn chín uống sôi; tập thể dục và sóng lạc quan, lành mạnh. 

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội tính đến ngày 9/1, toàn thành phố có 46.647 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (128), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (217), tại các bệnh viện của Hà Nội là (2.943), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.309), cơ sở thu dung quận, huyện (5.590).

Hiện F0 theo dõi cách ly tại nhà trên toàn địa bàn thành phố là 36.460 người. Đáng lưu ý, số ca tử vong trong ngày 9/1 là 17 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 260 người./.